+
Aa
-
like
comment

Bất ngờ về sự yếu kém của TP.HCM

Công Luân - 26/03/2023 14:02

Đầu tàu kinh tế cả nước vừa bị “liệt” vào 67/69 TP du lịch trên thế giới có nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) kém. Một vấn đề tối thiểu và cơ bản nhất của con người nhưng bị ngưng trệ suốt nhiều năm!

Khách du lịch quốc tế đến TP.HCM

Đầu tháng 2, dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia cho biết chất lượng NVSCC tại TP.HCM xếp vị trí 67/69 thành phố du lịch trên thế giới. Chính vì thế, không quá bất ngờ khi tờ báo uy tín tại Nhật Bản đánh giá, “Tại TP.HCM, mọi thứ đều hấp dẫn khách du lịch quốc tế, trừ nhà vệ sinh”. Thậm chí, một số chia sẻ trên các blog du lịch thì thấy du khách trước khi đến Việt Nam, thay vì tìm hiểu sâu về cảnh đẹp, quán ăn ngon lại chia sẻ cho nhau bí quyết tìm NVSCC sạch đẹp. Điều đó cho thấy NVSCC của Việt Nam đang không hề đẹp trong mắt du khách quốc tế.

Có hơn 13 triệu dân nhưng TP.HCM chỉ có 255 NVSCC, nghĩa là cứ hơn 50.000 người thì mới có 1 nhà vệ sinh và đó là chưa kể đến khách du lịch. NVSCC sạch, đẹp chưa chắc tạo thiện cảm cho du khách, vì họ coi nhu cầu đi vệ sinh là việc đương nhiên và ít có ai lại khen NVSCC. Thế nhưng, nếu nơi này bẩn, nhếch nhách thì sẽ gây ác cảm rất lớn.

NVSCC có 2 thái cực: Rất sạch và rất bẩn. Những nhà vệ sinh sạch, đẹp thường nằm trong các khu du lịch của tư nhân. Bởi họ coi đây là một trong những phần tạo dựng chất lượng dịch vụ, tạo dựng thương hiệu cho họ. Còn với những khu vực công cộng, nhà vệ sinh chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết nhếch nhác, bẩn thỉu, các hạng mục xuống cấp trầm trọng. Và điều đáng buồn là, tình trạng vừa thiếu vừa quá tải nhà vệ sinh công cộng ngày càng nghiêm trọng ở các khu vực trung tâm TP.HCM, nơi có nhiều du khách đến tham quan.

Trong khi đó, với những du khách quốc tế sống ở những đất nước phát triển hơn thì người ta rất khắt khe về vấn đề nhà vệ sinh. Đáng buồn là đến Lào còn làm tốt hơn cả Việt Nam từ thông tin của Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, “Ở Việt Nam, NVSCC còn bị coi thường, xem nhẹ; trong khi Nhật Bản mỗi năm đều tổ chức cuộc thi nhà vệ sinh ấn tượng, còn nhà vệ sinh ở Lào, tuy thiết kế không cầu kỳ nhưng rất sạch và luôn có máy lạnh”.

Chính vì thế, ngay từ bây giờ thành phố phải đưa quy hoạch NVSCC vào nhiệm vụ, “không cần bàn nên làm hay không nữa, mà phải làm cho bằng được”. Ví dụ, khi quy hoạch NVSCC thì cần phải tính toán bao nhiêu và hiện chỗ nào đang thiếu và phải bổ sung ngay. Mặt khác, TP cũng cần tính toán vấn đề quản trị ở khu vực nhà vệ sinh. Khu vực đó được nâng cấp ra sao, kế hoạch dọn dẹp hằng ngày và nếu làm tốt sẽ thu hút người dân và tránh tình trạng “đi bậy” như hiện nay.

Để có nhiều NVSCC, đầu tiên cần ưu tiên khu đất công, vỉa hè và đưa nó thành một chuyên đề mở rộng để phục vụ dân sinh. Tiếp theo, trường hợp không có ngân sách cần xã hội hóa, được thu với giá tiền bao nhiêu, hoạt động kinh doanh bao nhiêu TP cần tính toán mạng lưới NVSCC, khoảng cách bao nhiêu là tiện lợi. Nếu được, các vị trí trạm xe buýt đó cần tính toán để xây dựng các trạm, NVSCC để phục vụ và cũng là phương án để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Trường hợp có gặp khó khăn, vướng mắc gì trong việc xây dựng NVSCC ở các khu vực khác thì cần sửa đổi hoặc xây dựng một đề án để triển khai đồng bộ, hiệu quả. NVSCC phục vụ cho người đi xe máy, đi bộ hay công viên… thì cần tính toán cho từng tệp khách hàng và cũng cần tính đến chuyện giữ xe máy cho người dân.

Tóm lại, phải cần đẩy mạnh và nhanh chóng như đúng tinh thần chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Văn Nên, “công trình phụ mà không hề phụ”.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều