Bất ngờ tình trạng xăng dầu ngày 20/10
Tình trạng hết xăng, còn dầu lại tiếp tục diễn ra tại một số cây xăng khu vực các quận huyện ven TP.HCM và một tỉnh lân cận.
Ngày 20/10, các mặt hàng bán lẻ trong nước có giá như sau: xăng E5 RON92 không cao hơn 21.292 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 22.007 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 24.187 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 22.820 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Điều đáng lưu ý, trong khi Bộ Công thương tuyên bố nguồn cung đã khá ổn định thì trên thị trường 2 ngày qua, tình trạng “hết xăng, còn dầu” hoặc bán giới hạn tiếp tục tái diễn tại một số cây xăng tại miền Nam. Ngay tại TP.HCM, nhiều người dân vẫn phải đi qua 2 – 3 cây xăng mới đổ được bình xăng tại Q.12, Bình Tân, Gò Vấp… ngoài các cây xăng thuộc hệ thống doanh nghiệp tư nhân, ngay cây xăng của doanh nghiệp nhượng quyền từ Petrolimex cũng báo hết xăng bán.
Hiện nay, sức cung ứng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn vẫn đủ, trong đó quý III hai nhà máy này dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu). Về nguồn nhập khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính thì hết 9 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu thành phẩm các loại, kim ngạch hơn 6,8 tỷ USD tăng hơn 22,7% về lượng, và hơn 131% về trị giá. Như vậy, tổng nguồn cung xăng dầu từ cả hai nguồn tự sản xuất và nhập khẩu đều dồi dào so với năm trước, không có tình trạng thiếu xăng dầu từ các đầu mối lớn.
Cung không thiếu, thậm chí là dư thừa, do đó công tác phân phối xăng dầu đến các điểm bán lẻ đã xảy ra vấn đề, nên mới dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại nhiều nơi trên cả nước như vừa qua.
Có ý kiến cho rằng công tác phân phối bị nghẽn là do cách điều hành giá bán xăng dầu không còn theo kịp biến động thị trường. Cụ thể, theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thì thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối khi bán xăng dầu ra với giá bán buôn không được cao hơn giá bán lẻ do cơ quan Nhà nước công bố.
Bất cập phát sinh từ đây, bởi giá xăng dầu nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá dầu quốc tế. Do đó có lúc giá xăng dầu trong nước sẽ tăng mạnh hoặc giảm mạnh tùy vào mức giá nhập khẩu dầu thô. Việc áp một mức giá bán lẻ cố định sẽ dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp đầu mối phải bán lỗ vào những thời điểm giá dầu thế giới leo thang, do chi phí vận hành trong việc nhập khẩu, giá mua vào, … tại thời điểm đó sẽ khiến giá bán buôn cao hơn cả giá bán lẻ. Một khi giá bán buôn của doanh nghiệp đầu mối cao hơn giá bán lẻ, nhưng quy định buộc họ không được phân phối với mức giá vượt quá giá bán lẻ đã quy định, thì tất yếu sẽ dẫn tới các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải tìm cách giảm lỗ bằng nhiều biện pháp như giảm mạnh chiết khấu cho các đối tác bán lẻ trên cả nước. Trong đó có chiết khẩu 0 đồng và cả chiết khấu âm, đỉnh điểm là giảm giao dầu ở những địa điểm xa, bởi sẽ phát sinh thêm chi phí vận chuyển mà cả hai phía chắc chắn sẽ không ai chịu đứng ra chi trả. Bởi lúc này bên đầu mối đã bán với giá rất rẻ, thậm chí lỗ, còn bên bán lẻ thì đã chịu chiết khấu 0%, lợi nhuận cả hai bị bào mòn, nên từ đó mới dẫn tới tình trạng nhiều chủ cửa hàng bán lẻ xăng “bán mà không lời”, đóng cửa, hết tiền nhập hàng, thậm chí là không có hàng để bán.
Nhìn từ góc nhìn trên có thể thấy quy định mức giá bán lẻ cố định đã tạo thành một nút thắt cổ chai siết chặt lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp bán lẻ. Nên nhìn nhận thì đây không phải là một biện pháp hỗ trợ kinh tế, vì hỗ trợ là cần hỗ trợ cả hai phía, người dân và cả doanh nghiệp, vì doanh nghiệp cũng cần phải có lợi nhuận thì mới có thể duy trì được hoạt động kinh doanh. Bộ Công thương nên cân nhắc các biện pháp san sẻ bớt chi phí cho các đầu mối và linh hoạt mức giá điều hành giá sao cho phù hợp với thị trường. Chỉ khi thật sự đảm bảo hài hòa được lợi ích cho cả đôi bên, thì mới ổn định được thị trường xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước đang bị thao túng giá. Tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, thì trong khi các thương nhân, đầu mối được mua xăng dầu ở nhiều nơi khác nhau, thì các đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý, mua và bán xăng cho một tổng đại lý, thương nhân phân phối duy nhất. Chính vì vậy, quy định trên đã vô tình tạo ra sự độc quyền chuỗi cung ứng, tạo kẽ hở cho hành vi ép giá các nhà bán lẻ của các nhà đầu mối. Các thương nhân phân phối có thể lợi dụng thế độc quyền để “kê khống” chi phí, từ đó nâng mức giá thành lên cao để nâng giá bán buôn và đẩy mọi gánh nặng lên vai các nhà bán lẻ. Việc này cũng xuất phát từ bất cập quy định giá bán lẻ kể trên, bởi khi giá không thể biến động theo cung cầu tự nhiên thì miếng bánh lợi nhuận sẽ luôn có hạn, nên để mình không bị thiệt các doanh nghiệp đành phải hy sinh lợi ích của nhau.
Dù là trường hợp nào trong hai trường hợp kể trên thì thực tế nguyên nhân cũng là do cách điều hành còn bất cập nên mới dẫn tới việc các doanh nghiệp không thể kiếm được lợi nhuận từ việc kinh doanh, từ đó làm phát sinh những bất ổn trên thị trường. Hiển nhiên, việc kinh doanh một mặt hàng nhạy cảm là xăng dầu thì các doanh nghiệp đôi lúc cũng cần phải chia sẻ gánh nặng với khách hàng. Nếu nguyên nhân thua lỗ đến từ nguyên lý cung cầu thị trường thì doanh nghiệp còn dễ chấp nhận được. Nhưng nếu nguyên nhân xuất phát từ sự cứng nhắc của chính sách hoặc từ thao túng, ép giá thì sẽ là một điều bất công đối với các nhà bán lẻ. Việc họ hành động bất chấp rủi ro để đóng cửa những ngày qua đã phần nào cho thấy sự bất mãn của doanh nghiệp đối với tình hình hiện nay.
Chính vì vậy, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần sớm có hành động quyết liệt để ổn định hoạt động cung ứng xăng dầu trong nước, bởi cuối năm và trong những năm tới tình hình thị trường dầu thế giới chắc chắn sẽ chịu nhiều sức ép. Như hôm 5/10 vừa qua, nhóm OPEC+ đã thông báo sẽ cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 11 tới, dự kiến giá dầu sẽ loanh quanh mức 100 USD/thùng do nguồn cung bị siết chặt. Giá nhập khẩu dầu thô về nước cũng vì vậy mà sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Hạ Băng