Bất ngờ thu thuế sầu riêng, người dân bức xúc, cục thuế nói đúng quy định
Cho rằng bị “đánh” thuế quá cao, thương lái thu mua sầu riêng bức xúc, người dân phản ứng quay video tố lên mạng xã hội.
Thương lái bức xúc, người dân phản đối
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu (Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, trụ sở ở tỉnh Bến tre) phản ánh: “Cách đây vài hôm, đội thuế Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đến vựa, lập biên bản thu thuế sầu riêng. Họ nói thu theo Nghị định 92/2015 của Bộ Tài chính rồi định giá 1kg sầu riêng là 40.000 đồng x 1,5% = 600 đồng.”
Bà Thu cho hay, Công ty Chánh Thu mua sầu riêng của người dân Krông Pắk hơn 3 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên bị “đánh” thuế này. Mấy năm trước, công ty đến mua chỉ đóng thuế môn bài, thời vụ, nhưng năm nay địa phương đưa ra chính sách thu thuế quá cao, quá đột ngột khiến doanh nghiệp rất bức xúc.
“Người dân trình bày đang ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất khó khăn, cần phải được hỗ trợ nhưng việc này không nằm trong gói hỗ trợ của Chính phủ. Ở đây tôi không thu thuế của bà con nông dân, tôi chỉ thu thuế thương lái. Sản phẩm ở địa phương làm ra, thương lái đến mua ùn ùn chở đi nơi khác tiêu thụ, không nộp thuế sao được”, ông Bùi Văn Chuẩn, Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk nói.
“Chúng tôi đi mua trái cây khắp các vùng miền nhưng chưa có tỉnh nào thu thuế như vậy. Tôi không hiểu thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của địa phương là thuế gì?. Doanh nghiệp chỉ vừa mới mua vào, chưa bán được gì đã đóng thuế. Hơn nữa, nói thu thuế theo Nghị định 92, năm 2015, tại sao từ đó đến nay không áp dụng mà tới năm nay (2020) mới áp dụng. Thuế gì mà 1,5%, doanh nghiệp làm gì lãi nhiều vậy. Doanh nghiệp lời 100, 200 đồng/1kg thì đã làm giàu rồi, chứ đừng nói 600 đồng/1kg”, bà Thu bức xúc.
Bà Thu cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên quá khó khăn về vấn đề thị trường. Các doanh nghiệp phải “tự bơi” tìm đầu ra. Sầu riêng mua về chưa có thị trường xuất ra, chưa biết bán đi đâu?. Doanh nghiệp đang hoang mang thì bị áp thuế như vậy khiến doanh nghiệp quá khó khăn.
“Thuế là nghĩa vụ, không phải doanh nghiệp không chấp hành nhưng với mức thuế như vậy thì doanh nghiệp phản đối. Đề nghị địa phương xem xét lại để doanh nghiệp ổn định tinh thần thu mua cho bà con”, bà Thu mong muốn.
Cũng theo bà Thu, tất cả tiền thuế cũng vào giá thành hết. Hiện giá sầu riêng thu mua tại vườn từ 40 nghìn đến 45 nghìn/1kg. Nếu hôm nay thu thuế doanh nghiệp thì doanh nghiệp lỗ thật vì chưa tính tới. Nhưng hôm sau doanh nghiệp mua sẽ chỉnh lại giá, giá sẽ rớt xuống thấp hơn. Phần thiệt dành cho người nông dân, nông dân sẽ “gánh” thuế đó. Vì vậy, người dân hiểu chuyện, khi nghe thuế thu 1 xe container 9 triệu nên phản ứng và đứng bênh vực cho doanh nghiệp. Người dân đã tụ tập quay video, phát trên mạng xã hội để lên tiếng với địa phương.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (Giám đốc Công ty TNHH MTV thu mua trái cây Minh Yến) bức xúc: “Thứ 6 (ngày 31/7) thuế mời tôi lên UBND xã Ea Kênh họp, thông báo sẽ thu thuế theo giá trị hàng. Họ tính một kí sầu riêng trị giá 40.000/1kg thì x với 1,5% ra số tiền phải đóng. Một xe container 15 tấn thì đống thuế 9 triệu đồng. Nếu không đóng sẽ có lực lượng trực 24/24, bắt tất cả các xe hàng sầu riêng, xe nào không có giấy nộp sẽ phạt 4 lần (tăng lên 4,5%-PV).
Tôi thu mua ở Krông Pắk này 6 năm nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp này. Đóng thuế là nghĩa vụ, nhưng làm gì phải có thời gian tuyên truyền và có lộ trình. Đằng này, hôm nay kêu lên họp ngày mai đã thu sao được”.
Bà Yến cũng cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid, doanh nghiệp phải “chạy đôn chạy đáo” tìm đầu ra. Mua vào không biết lời hay lỗ nhưng giờ đóng thuế như vậy sao doanh nghiệp sao sống được. Mong địa phương xem xét lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên, nếu thuế làm căng thì doanh nghiệp vẫn mua, nhưng ép giá xuống. Ví dụ thường ngày mua 30 nghìn/1kg thì nay doanh nghiệp mua 28 nghìn/1kg. Tất cả phần thuế, người dân phải gánh thôi”, bà Yến nói thêm.
Bà H. (người dân trông sầu riêng) nói: “Người dân chúng tôi trồng được trái sầu riêng là mồ hôi nước mắt cả một năm. Mọi năm làm gì có thuế này. Dịch bệnh người dân quá khó khăn rồi, thuế thu lúc này không hợp lý chút nào. Thu thuế thương lái, thì thương lái lại ép giá dân. Tự nhiên giá đang 50 nghìn/1kg, bị ép xuống còn 40 nghìn thì người dân thiệt biết bao nhiêu”.
Thu thuế đúng quy địnhTheo UBND huyện Krông Pắk, việc thu thuế áp dụng theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính. Thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh. Cách tính tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%. Ví dụ: Giá thị trường 1kg sầu riêng = 40.000 đồng. Tính thuế 40.000 đồng x 1,5% = 600 đồng/kg; 1 container tươnng đương 15 tấn. Cách tính 15.000 kg x 600 đồng = 9.000.000 đồng/container.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẳng định: “Việc thu thuế đảm bảo đúng quy định. Hàng ngày, các tổ công tác tại xã sẽ giám sát, theo dõi và khi kiểm tra các đơn vị kinh doanh khai báo số lượng hàng trên xe. Khi bốc hàng lên xe để vận chuyển (trường hợp chở về kho thì có bộ phận theo dõi và báo lại) sầu riêng xuất đi thì được tính thuế theo sản lượng như trên”.
Ông Bùi Văn Chuẩn, Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk cho biết: Chi Cục thế Krông Pắk thu thuế theo kế hoạch đề án chống thất thu thuế của tỉnh. Đó là thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân đối với hoạt động thương mại, buộc người nộp thuế phải chấp hành thuế. Sự việc kích động, chống đối tại huyện Krông Pắk, tôi có nghe báo báo và đang cử đoàn xác minh.
Theo ông Chuẩn, lâu nay hoạt động mua bán sầu riêng tại huyện Krông Pắk không kê khai nộp thuế gây thất thu cho địa phương.
“Nguyên tắc nộp thuế ai cũng phải chấp hành. Ai đến thu mua phải chịu thuế. Chống đối thì không đúng”, vị này khẳng định.
PV/VNN