+
Aa
-
like
comment

Bất ngờ nồng độ cồn

Lê Nguyễn Duy Hậu - 09/01/2020 16:28

Nhiều người tỏ ra bất ngờ trước mức nồng độ cồn cho phép khi điều khiển phương tiện là 0 mg/lít khí thở. Nhưng họ sẽ còn bất ngờ lâu dài.

Năm 2015, cộng đồng doanh nghiệp dậy sóng khi quy định hình sự hoá hành vi bán hàng online không giấy phép được Quốc hội thông qua trong Bộ luật Hình sự. Nhiều cá nhân chỉ trích điều khoản này “giết chết cả một ngành công nghiệp” và “vi phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh”.

May mắn là sức ép của xã hội lúc đó đủ mạnh, cùng với những lỗi sai khác của bộ luật, Quốc hội đã đồng ý hoãn hiệu lực thi hành và chỉnh lý lại toàn bộ luật, trong đó loại bỏ quy định của Điều 292 đó. Điều không may là sự phiền phức đáng lẽ đã có thể tránh được nếu như quy định kể trên được đưa ra bàn thảo, chỉnh đốn từ giai đoạn soạn thảo.

Nói về chuyện xã hội bị “bất ngờ” vì luật thì không phải chỉ một lần. Quốc hội Việt Nam ban đầu đã không thể quyết định được phương án nồng độ cồn cho phép phù hợp trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia hồi tháng 6/2019. Các nghị sĩ đã có thời gian khó khăn khi bị xã hội công kích vì “không đứng về phe công chúng” trong việc nêu cao khẩu hiệu “uống rượu thì không lái xe”. Một trong những lý do của lưỡng lự này, như chia sẻ của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đó là bản thân nhiều đại biểu có vẻ còn băn khoăn với các hệ quả của việc đưa mức nồng độ cồn trong hơi thở cho phép khi điều khiển tất cả các phương tiện giao thông là 0 miligram trên mỗi lít khí thở.

Tôi và một số người khi đó đã viết bài trên trang cá nhân và báo chí nói về vấn đề này. Ngay trong cao điểm của cuộc “tổng chỉ trích” mà nhiều người nhắm tới các nghị sĩ, chúng tôi là tiếng nói hiếm hoi giải thích và thông cảm cho e ngại của các đại biểu, đề nghị nên có những tranh luận khoa học rõ hơn để giải toả được nghi ngại việc cảnh sát giao thông có thể phạt cả người uống nước trái cây lên men.

Tiếc rằng, những tiếng nói đó quá ít ỏi, thậm chí nhận lời chửi bới từ nhiều người. Họ cho rằng chúng tôi dửng dưng với các vụ tai nạn thương tâm, rồi cáo buộc chúng tôi “nghiện rượu”, hoặc tệ hơn là “làm PR cho các hãng” rượu, bia. Thế nhưng, khi ấy tôi vẫn tin rằng tiếng nói của mình sẽ giúp các đại biểu có thêm thông tin khi đưa ra quyết sách trong bối cảnh bị áp lực từ dư luận, đồng thời giúp cho xã hội có thêm cái nhìn đa chiều về một thay đổi quan trọng. Tôi nghĩ vai trò của trí thức là lên tiếng vì điều đúng chứ không phải nói điều số đông muốn nghe.

Cuối cùng, vào ngày 24/6/2019, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được thông qua với quy định cuối cùng là nồng độ cồn cho phép bằng 0. Và hôm nay, cả một làn sóng xã hội bất bình với quy định này, đòi hỏi phải có một sự rà soát lại toàn bộ đạo luật. Nếu những tiếng nói phản biện đã mạnh mẽ như vậy vào thời điểm tháng 6 năm 2019, có lẽ xã hội đã không bị “bất ngờ”.

Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu

Kể từ năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có một cải tiến đáng kể cho quá trình lập pháp. Đó là quy định: tất cả các văn bản pháp luật trước khi được thông qua, cơ quan chủ trì soạn thảo đều phải lấy ý kiến không chỉ các bộ, ban, ngành, chuyên gia, mà còn với người dân. Đây là một bước mở rộng hơn so với Luật cũ năm 2004 khi chỉ quy định nghĩa vụ lấy ý kiến cho các văn bản pháp luật cấp địa phương, ủy ban nhân dân hoặc hội đồng nhân dân.

Cùng với cải cách này, trang web http://duthaoonline.quochoi.vn/ của Văn phòng Quốc hội cũng ra đời, đăng tải gần như toàn bộ các dự thảo văn bản pháp luật đang hoặc sẽ được thảo luận tại nghị trường. Việc lấy ý kiến đóng góp cũng được thực hiện khá công khai thông qua “chatbox” tại mỗi dự thảo. Tất nhiên, chất lượng của các ý kiến và quá trình tổng hợp còn phải bàn thêm, nhưng dần dần quy trình làm luật cũng trở nên công khai hơn.

Một trong những lý do chính thúc đẩy sự minh bạch hoá này được một cán bộ từng làm việc cho Văn phòng Quốc hội giải thích, rằng đó là mong muốn của nhà làm luật trong việc xã hội tham gia và quan tâm hơn đến các vấn đề chính sách. Trí tuệ của xã hội là điều nhà làm luật kỳ vọng, nhưng bên cạnh đó, họ còn hy vọng rằng khi các văn bản luật có hiệu lực, xã hội sẽ không ai bị ngỡ ngàng.

Lý thuyết và chủ trương là vậy, nhưng khi ý tưởng được đưa vào thực tế thì không giấu được những bất cập. Rất nhiều đạo luật được đưa ra, bàn thảo rất lâu ở nghị trường, nhưng người dân vẫn bị bất ngờ, hay thậm chí nhìn thấy nhiều lỗi sai của chúng. Tại sao chính sách, cơ chế đều có sẵn, nhưng lại không đạt được như ý muốn?

Một trong những lý do dễ nhận thấy nhất là sự chú ý của xã hội thường bị phân tán mà dòng chảy của chính sách pháp luật thì cứ cuốn đi. Tôi dò lại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên diễn đàn duthaoonline, các góp ý về nồng độ cồn gần như thiếu vắng trong suốt hơn một năm dự thảo được đưa ra lấy ý kiến công khai.

Đầu tiên, tôi cho rằng vai trò của người giám sát chuyên nghiệp là rất quan trọng với các bộ luật, và không ai khác có thể làm tốt vai trò này hơn là báo chí. Họ không chỉ đơn thuần đưa tin tức liên quan đến nghị trường mà còn phải giúp xã hội xác định những điểm mấu chốt cần quan tâm, giải thích cho công chúng hiểu những ẩn ý đằng sau các chính sách, câu chữ… Trong cơn sóng mang tên “nồng độ cồn”, báo chí đã làm khá tốt việc mổ xẻ, phân tích những quan điểm, ngụ ý của quy định này sau khi luật đã hiệu lực, và các bất cập được cho là đã diễn ra. Điều này chứng tỏ truyền thông có thể làm việc đó, nhưng mới chỉ chú trọng vào tường thuật diễn biến. Tất nhiên, không phải quan ngại nào của xã hội cũng đều hợp lý, tương tự trả lời của Bộ Y tế vừa qua khi cho rằng việc ăn trái cây tạo nồng độ cồn là rất hiếm xảy ra. Nhưng chúng ta có thể tránh những tranh cãi không cần thiết nếu vấn đề nhận được sự quan tâm và giải toả thấu đáo ngay ở giai đoạn làm luật.

Bên cạnh đó, chúng ta có quyền mong các cơ quan lập pháp chủ động công khai hơn nữa những văn bản lấy ý kiến, các tài liệu thể hiện quan điểm chuyên gia về các dự thảo luật. Đây là cơ sở để báo chí đào sâu và cung cấp thêm thông tin cho xã hội.

Cuối cùng là trách nhiệm của những người có chuyên môn, những tổ chức dân sự trong lĩnh vực. Tôi quan sát và thấy, những cá nhân, tổ chức này có xu hướng làm việc trực tiếp với ban soạn thảo và các dân biểu để tác động chính sách hơn là góp phần xây dựng hiểu biết của công chúng về một đạo luật. Tất nhiên, việc góp ý trực tiếp cho ban soạn thảo của giới chuyên gia là đáng quý, nhưng tôi mong họ trò chuyện nhiều hơn với công chúng. Vai trò của trí thức không chỉ là cố vấn cho chính quyền mà còn là thông tin cho người dân.

Pháp luật nhìn chung là một cỗ máy và giai đoạn thiết kế vận hành hết sức quan trọng. Nó đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn là góc nhìn rất bình dân từ phía người thụ hưởng. Đó chính là ý nghĩa của quy định lấy ý kiến công chúng trong quá trình lập pháp. Làm tốt khâu này, “cỗ máy làm luật” mới hoạt động trơn tru, hoặc ít nhất không khiến cho xã hội bị ngỡ ngàng.

Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu

Bài mới
Đọc nhiều