Thời điểm bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong được dẫn ra xe khi phiên tòa tạm hoãn, người mẹ chạy theo vẫy tay chào, gào khóc rồi bất ngờ “tố” bị hại là nữ tiếp viên hàng không nói sai sự thật.
Liên quan đến phiên tòa xét xử đối tượng lái xe Mercedes quá tốc độ, lấn làn khi trong người có ma túy khiến tài xế xe ôm tử vong và một nữ tiếp viên hàng không thương tật đến 79%, đến giữa trưa HĐXX vẫn cho các luật sư tiếp tục phần xét hỏi để làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án.
Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa, triệu tập chủ xe Mercedes
Các luật sư phía bị hại cho rằng trong hợp đồng cho thuê xe từ công ty Khang Gia (do Huỳnh Chánh Thành làm giám đốc) với Phong chỉ thuê 2 ngày. Tuy nhiên thực tế Phong đã sử dụng xe 3 ngày, không đúng với thời hạn nên hợp đồng không có giá trị pháp lý.
Ông Thành nói bị cáo và mình đã giao dịch thuê mướn xe 6 lần chứ không phải làm việc lần đầu, nếu lố ngày trong hợp đồng có thể thông báo bổ sung sau theo thỏa thuận.
Luật sư hỏi tiếp, rằng Thành ký hợp đồng thuê xe của một người khác (ông Võ Văn Phúc) với tư cách pháp nhân và không có con dấu thì có hợp pháp không. Thành tiếp tục khẳng định mọi thứ mình làm đúng pháp luật, nếu có gì phát sinh sẽ bổ sung sau.
Luật sư lại đặt giả thuyết hợp đồng thuê xe có thể là hợp đồng giả làm sau khi tai nạn xảy ra. Do đó phía luật sư của bị hại đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập trực tiếp ông Võ Văn Phúc, người cho thuê lại chiếc Mercedes nhưng thời điểm cho thuê đang thuế chấp xe tại Ngân hàng Quân đội để làm rõ vấn đề.
HĐXX cho biết sẽ xem xét vấn đề trên, nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập.
Trả lời luật sư vấn đề khắc phục hậu quả cho bị hại, bà Trần Hoàng Họa Mi, mẹ bị cáo Phong nói mấy mẹ con trước giờ đã ở nhà thuê mấy chục năm.
Khi ba bà Mi mất đã để lại cái nhà, dù chuyển quyền làm chủ cho bà nhưng lại chưa có sổ hồng.
“Tôi có nói với con mình ở nhà thuê mấy chục năm rồi. Giờ có bán để khắc phục cho bị hại để cứu con cũng chấp nhận. Nhưng không có sổ hồng nên bán không được” – bà Mi giải thích.
Nữ tiếp viên hàng không khẳng định không được thăm hỏi – mẹ bị cáo “tố” nói sai sự thật
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ của phía bị hại hỏi tiếp viên hàng không Lê Thị Bích Hường thời điểm xảy ra tai nạn còn tỉnh táo không. Hường nói hoàn toàn tỉnh và không nằm sấp hay nằm ngửa như bị cáo Phong nói.
“Tôi chờ rất lâu mới có xe cấp cứu đến, còn trên chiếc Mercedes đụng mình chỉ có 1 cô gái xuống hỏi thăm vài câu” – bị hại Hường nói và khẳng định Phong không hề kêu xe chở mình đi cấp cứu.
Nữ tiếp viên hàng không cũng cho rằng trong suốt thời gian mình điều trị, chỉ có một người tự xưng là mẹ Phong gọi đến gào khóc xin tha cho con bà, hoàn toàn không thăm hỏi tình hình của bị hại.
Bị hại Hường cũng cho biết chấp nhận yêu cầu triệu tập chủ xe Mercedes của luật sư để làm rõ trách nhiệm liên đới của phía cho thuê xe.
Phía gia đình của bị hại đã mất Lê Mạnh Thường cũng cùng chung quan điểm với nữ tiếp viên.
Kết thúc phần xét hỏi của các luật sư, HĐXX tuyên bố tạm ngưng phiên tòa.
Khi công an dẫn bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong ra xe, bà Mi chạy theo cố bắt tay, vẫy chào con trai.
Mẹ bị cáo bất ngờ gào khóc, lớn tiếng bức xúc trước việc các bị hại nói gia đình bị cáo không hỏi han và đặt vấn đề bồi thường, khắc phục hậu quả.
Dẫn chứng về điều này, bà Mi nói sau khi biết tai nạn xảy ra đã tìm đến bệnh viện nơi nữ tiếp viên điều trị cũng như liên hệ với gia đình bị hại Thường xin được thăm hỏi, thắp nhang. Tuy nhiên theo bà Mi, các bị hại không đồng ý.
Bà cũng cho rằng muốn bồi thường theo khả năng có thể nhưng số tiền phía các bị hại yêu cầu quá lớn, lên đến “tiền tỷ” nên không thể đáp ứng chứ không phải bỏ mặc.
“Những ngày qua tôi bị cộng đồng mạng, dư luận chửi bới rất nhiều nhưng phải chịu hết, vì con mình làm sai. Nhưng họ nói gia đình bỏ mặc không hỏi han, không bồi thường là không đúng. Tôi là con người chứ đâu phải con thú” – bà Mi vừa nói vừa gào khóc.
Phiên tòa đang tiếp tục xét xử chiều 15/12. Chúng tôi đang cập nhật tin tức mới nhất…
PV