Bắt một nhà sư Việt Nam nghi kết hôn giả để ở lại Nhật
Cảnh sát Nhật vừa bắt giữ một nhà sư người Việt Nam vì nghi ngờ kết hôn giả để được lưu trú lâu dài ở nước này. Tại Nhật, chuyện nhà sư lấy vợ là bình thường.
Đài NHK của Nhật thông tin cảnh sát tại tỉnh Hyogo miền Tây Nhật Bản hôm 28-11 bắt giữ một nhà sư người Việt Nam với nghi ngờ người này nộp đăng ký kết hôn giả để được lưu trú lâu dài tại Nhật Bản.
Theo NHK, nhà sư bị bắt giữ tên thật là Nguyen Van Nam, 42 tuổi với tình nghi vi phạm luật quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản. Theo đó, nhà sư này bị nghi ngờ đã đăng ký kết hôn giả hồi tháng 3 năm nay với một phụ nữ Việt Nam có tư cách vĩnh trú tại Nhật Bản.
Truyền thông Nhật dẫn lời cảnh sát cho biết nhà sư và người phụ nữ trên đều phủ nhận các cáo buộc và nói họ là “vợ chồng thật”.
Giáo sư Yoshihisa Saito của ĐH Kobe nói với đài NHK rằng để có visa vĩnh trú ở Nhật là không hề dễ dàng.
“Nhật rất nghiêm ngặt trong việc cấp visa vĩnh trú, đặc biệt là đối với người nước ngoài theo diện lao động tay nghề thấp và kết hôn là một cách để có visa này. Vì lẽ đó nên hệ quả là ngày càng có nhiều người phạm pháp” – ông Saito cho biết.
Hình ảnh trên đài NHK cho thấy cảnh sát đã có mặt tại chùa Đại Nam tại thành phố Himeji và một ngôi chùa khác ở thành phố Kobe, cùng thuộc tỉnh Hyogo của Nhật.
Nhà sư Nguyen Van Nam hiện đang là trụ trì tại hai ngôi chùa này. Ngoài ra, cảnh sát cũng rà soát các ngôi chùa khác ở tỉnh Saitama, nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc.
Theo Bộ Tư pháp Nhật, tính tới 1-7-2019 thì số người nước ngoài ở lại Nhật bất hợp pháp sau khi hết hạn visa là 79.000 người, tăng 25% so với 3 năm trước. Hơn 13.000 người trong số này là người Việt Nam.
Đài BBC cho biết tại Nhật, chuyện nhà sư lấy vợ là bình thường. Tuy nhiên các nhà sư Việt Nam có “nhập gia tùy tục” hay không thì chưa rõ vì tại Việt Nam thì nhà sư bị cấm lập thành gia lập thất.
Theo trang morningjapan, visa vĩnh trú là quyền lợi của người nước ngoài không có quốc tịch Nhật Bản được phép cư trú lâu dài tại Nhật. Đây là loại visa Nhật cấp cho các lao động nước ngoài đã có thời gian sống ở nước này trên 10 năm và làm việc trên 5 năm.
Nhật Bản chỉ chấp nhận mỗi công dân mang một quốc tịch duy nhất, nên phần lớn người nước ngoài, bao gồm người Việt, khi muốn ở lại Nhật thường xin visa vĩnh trú.
Ngoài ra, người nước ngoài có thể được xem xét cấp visa vĩnh trú nếu là vợ/chồng của người Nhât, người có quyền vĩnh trú hoặc vĩnh trú đặc biệt. Nhưng những người này phải đáp ứng điều kiện là phải liên tục sinh hoạt hôn nhân trên thực tế 3 năm trở lên và lưu trú tại Nhật Bản liên tục 1 năm trở lên, theo trang morningjapan.
Anh Thư
Theo Tuổi trẻ