Bật mí chiến lược chặn Covid-19 của khu ổ chuột lớn nhất châu Á
Ở một trong những thị trấn tồi tàn nhất thế giới, giãn cách xã hội không phải là điều mọi người có thể tuân thủ. Trong khi, mật độ dân cư đông đúc chính là bạn đồng hành của Covid-19.
Hơn 500.000 người sống chen chúc nhau trên một khu đất rộng 2,5km2, và cứ 10 người thì có 8 người sống chung trong cùng căn phòng chật hẹp, sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Nhà ở và xưởng sản xuất sát nách nhau, cùng tồn tại dọc những con ngõ hẹp của khu ổ chuột. Hầu hết mọi người đều là lao động công nhật, hàng ngày phải tỏa đi khắp nơi kiếm sống.
Theo BBC, bất kể thực trạng như trên, Dharavi khu ổ chuột lớn nhất châu Á, tọa lạc ở trung tâm thành phố Mumbai, thủ phủ giải trí và tài chính ủa Ấn Độ dường như đã kiểm soát thành công sự lây lan của đại dịch.
Sau ca bệnh đầu tiên được phát hiện ngày 1/4, các nhà chức trách đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp dương tính và 80 người tử vong ở khu ổ chuột này. Một nửa số bệnh nhân đã hồi phục. Số ca nhiễm hàng ngày giảm từ 43 hồi tháng 5 xuống 19 trong tuần thứ 3 của tháng 6.
Các biện pháp được thực hiện như sàng lọc rộng khắp và cung cấp thức ăn miễn phí cho những người thất nghiệp ở quy mô khó tin. Các nhà chức trách cho biết đã truy tìm, theo dõi và cách li một cách kiên quyết để ngăn chặn sự lây nhiễm. Trọng tâm là nỗ lực sàng lọc, bao gồm dựng các trại kiểm dịch và xe tải di động. Khử trùng diễn ra ở từng nhà, và hơn 360.000 người đã được kiểm tra triệu chứng cho đến thời điểm này.
Tại mỗi trại, một nhóm bác sĩ và nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ phụ trách kiểm tra 80 cư dân mỗi ngày, đo nhiệt độ và mức oxy máu. Những người có triệu chứng giống cúm được làm xét nghiệm. Những ai dương tính được đưa đến các cơ sở tập trung và con số này hiện nay là hơn 10.000 người. Những ai sức khỏe xấu đi sẽ được chuyển đến các bệnh viện trong khu vực.
“Mọi người rất tự nguyện, muốn được kiểm tra bất kể vì lý do gì. Có nhiều người còn tăng tuổi để được vào diện làm xét nghiệm cho người nguy cơ cao. Đôi khi họ còn yêu cầu làm xét nghiệm chỉ vì ngồi cạnh ai đó bị ho hoặc hắt hơi. Ý thức và nhận thức rất cao”, bác sĩ Amruta Bawaskar, làm việc tại khu ổ chuột, trao đổi với BBC.
Với khoảng 11.000 xét nghiệm được thực hiện kể từ tháng 4, có khả năng khu ổ chuột này vẫn còn nhiều người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng. Nhưng các nhà chức trách tin đã có thể kiểm soát được sự lây lan vào thời điểm mà tốc độ lây nhiễm vẫn đang gia tăng ở các nơi khác thuộc Mumbai cùng nhiều thành phố lớn khác của Ấn Độ.
Tỷ lệ tử vong tương đối thấp có thể được giải thích là nhờ lực lượng dân số đa phần trẻ tuổi. Và để đảm bảo các biện pháp dập dịch phát huy hiệu quả, các bữa ăn miễn phí và khẩu phần thực phẩm được cung cấp đến tận tay người dân vốn đang phải ở nhà vì không có việc làm và thu nhập.
Một yếu tố giúp sức nữa là Dharavi nhận được sự quan tâm rất lớn của truyền thông.
Dharavi từng được thế giới bên ngoài biết đến sau khi bộ phim Triệu phú Ổ chuột đoạt giải Oscar. Nhiều chuyên gia kinh doanh và các nhà quy hoạch đô thị từ khắp nơi trên thế giới đều đã nghiên cứu các động lực đô thị và nền kinh tế phi chính thức 1 tỷ USD của nơi này.
Nhiều bác sĩ tư nhân tham gia công tác tại các trại cách li. Chính quyền thành phố, các chính trị gia và các tổ chức phi lợi nhuận đã cung cấp hàng chục nghìn khẩu phần thực phẩm và bữa ăn miễn phí. Các thương gia và diễn viên Bollywood tặng cho Dharavi quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang, thuốc men và máy thở.
“Mumbai có truyền thống hành động cộng đồng. Họ đã làm tốt việc giúp các nhà chức trách kiểm soát sự lây nhiễm bệnh dịch ở Dharavi”, BBC dẫn lời bác sĩ Armida Fernandez, người cũng tham gia một tổ chức phi lợi nhuận ở khu ổ chuột.
Dẫu vậy, chi phí và thiệt hại kinh tế là rất lớn.
Khu ổ chuột là trung tâm của các doanh nghiệp đồ da, đồ gốm và dệt may. Nơi đây có khoảng 5.000 nhà máy nhỏ đóng thuế và khoảng 15.000 xưởng sản xuất. Dharavi cũng là trung tâm tái chế nhựa chủ chốt của Mumbai.
Không phải là điều ngạc nhiên khi Dharavi là nơi tập trung các lao động nhập cư lành nghề giá rẻ nhiều thập niên qua. Sau lệnh phong tỏa, ước tính 15.000 người trong số họ phải bỏ về quê vì nơi làm việc đóng cửa nên không có thu nhập. Các cư dân phải bán vàng bạc, tiêu đến những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng hoặc đi vay nợ để sống tiếp.
Thách thức của Dharavi giờ đây là dần mở cửa trở lại các nhà máy để mọi người có thể quay trở lại với công việc, và đảm bảo họ tiếp tục đeo khẩu trang, tuân thủ các biện pháp phong tỏa.
Nhưng rất nhiều vấn đề còn tồn tại. Liệu có đủ nước ở một khu ổ chuột mà nhiều người phải đi mua từng giọt để rửa tay giữ vệ sinh? Liệu có đủ công việc để lôi kéo lao động quay trở lại các nhà máy?
Lệnh phong tỏa khu ổ chuột kéo dài bao lâu để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm tương lai? Và các tổ chức từ thiện đang giúp đỡ cư dân nơi đây sẽ cạn kiệt nguồn lực lúc nào trong cuộc chiến dai dẳng và mệt mỏi này?
“Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Chưa thể cho đến khi virus biến mất vĩnh viễn”, BBC dẫn lời ông Kiran Dighavkar, trợ lý cao ủy thành phố phụ trách khu vực bày tỏ.
Thanh Hảo/VNN