+
Aa
-
like
comment

Bắt cựu Cục phó Văn phòng Quốc hội lừa đảo chiếm đoạt 41 tỷ đồng

Đông Duy - 30/05/2024 14:53

Ông Đỗ Minh Tâm, 47 tuổi, và Nguyễn Thế Phùng, 37 tuổi, lao động tự do, vừa bị VKSND Hà Nội truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do liên quan hai vụ lừa đảo hơn 44 tỷ đồng.

Ông Đỗ Minh Tâm tại buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Quản trị, Văn phòng Quốc hội, tháng 4/2020.
Ông Đỗ Minh Tâm tại buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Quản trị, Văn phòng Quốc hội, tháng 4/2020.

Ông Đỗ Minh Tâm, 47 tuổi, và Nguyễn Thế Phùng, 37 tuổi, lao động tự do, vừa bị VKSND Hà Nội truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do liên quan hai vụ lừa đảo hơn 44 tỷ đồng.

Ông Đỗ Minh Tâm tại buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Quản trị, Văn phòng Quốc hội, tháng 4/2020. Ảnh: Cổng thông tin điện tử văn phòng Quốc hội.
Ông Đỗ Minh Tâm tại buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Quản trị, Văn phòng Quốc hội, tháng 4/2020. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Văn phòng Quốc hội.

Trong vụ lừa đảo thứ nhất, nạn nhân là doanh nhân quốc tịch Lào – ông Pheutsapha Phoummask (tên Việt Nam là Pha), là chủ tịch Công ty Asia Investment, Development and Contruction Sole Co., Ltd (Công ty AIDC).

Năm 2019, ông Pha muốn xây một tòa nhà hữu nghị Việt – Lào tại Hà Nội, được người quen giới thiệu với bị can Tâm và Phùng. Ông Tâm (khi này đang là Trưởng phòng Tổng hợp và Mua sắm tài sản, Cục Quản trị, Văn phòng Quốc hội) nói có quan hệ với lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Ông Tâm đưa ông Pha đến xem hai khu đất khoảng 19.000 m2 gần tòa nhà Keangnam (phường Mễ Trì, quận Cầu Giấy), nói sẽ giúp ông Pha mua được hai mảnh đất này để đầu tư xây dựng.

VKS cáo buộc ông Tâm yêu cầu ông Pha đưa 6% tổng chi phí thực tế dự án và phải đưa trước 1,8 triệu USD. Tâm nói đang làm việc cho cơ quan nhà nước không thể trực tiếp làm việc và nhận tiền từ ông Pha nên Phùng là người ký hợp đồng, nhận tiền thay.

Ngày 10/11/2019, Công ty AIDC ký hợp đồng dịch vụ với Phùng để được tư vấn, hỗ trợ. AIDC xin được chấp thuận, giấy phép và liên hệ làm việc với cơ quan chức năng tại Việt Nam để đầu tư các dự án tại hai lô đất. Nội dung hợp đồng nêu rõ công việc phải thực hiện và số tiền phải giao cho bị can Tâm, Phùng. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 6 tháng, tính từ ngày nhận được tiền lần đầu.

Trong tháng 11/2019, ông Pha giao nhân viên 6 lần đưa tiền cho Phùng và Tâm, tổng 1,8 triệu USD (tương đương 41,7 tỷ đồng thời điểm đó). Các lần giao nhận tiền đều lập giấy biên nhận có chữ ký đôi bên.

Quá thời hạn cam kết, hai bị can không thực hiện giao kết nên ông Pha nhiều lần có văn bản đề nghị Phùng hoàn trả tiền. Hai năm sau, tháng 12/2021, các bị can mới trả 130.000 USD, viện nhiều cớ để không trả ông Pha số tiền còn lại.

Tháng 5/2022, ông Pha ủy quyền cho một người bạn tại Việt Nam tố giác bị can Tâm và Phùng.

Quá trình bị điều tra, ông Tâm và Phùng đã trả lại đủ số tiền còn thiếu cho ông Pha, qua 24 lần.

Về nguồn gốc, hiện trạng hai lô đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và chính quyền địa phương xác định, hiện ô đất để trống, không có công trình trên đó. Đến nay, không có tổ chức, cá nhân nào liên hệ thuê địa điểm, để nghiên cứu, thực hiện dự án có liên quan đến ô đất và không nhận được thông tin về việc công ty AIDC được nhà nước giao đất, cho thuê đất tại hai lô đất trên.

UBND quận Nam Từ Liêm không nhận được văn bản hay hồ sơ liên hệ của các bị can liên quan đến việc đề nghị giao đất, cho thuê hai lô đất này.

Vụ lừa đảo thứ 2 xảy ra giữa năm 2021 (thời điểm bị can Tâm và Phùng đang bị ông Pha đòi tiền nhưng chưa trả). Bị hại tên chị Hiền, trú quận Cầu Giấy, là người quen của Tâm.

Cáo trạng xác định, ngày 29/5/2021, chị Hiền gọi điện thoại nhờ ông Tâm lo xin tại ngoại cho hai người bạn đang bị Công an quận Đống Đa tạm giữ về hành vi Cướp tài sản. Chị Hiền cũng nhờ ông Tâm xin cho chị không bị xử lý trong vụ án. Tâm nhận lời, nói liên hệ với Phùng.

Hôm sau, khi gặp chị Hiền, Phùng nói giải quyết được việc này trong 3 ngày, chi phí 3,8 tỷ đồng. Chị Hiền chuyển tiền cho Phùng 9 lần, mỗi lần 300 triệu đồng, tổng 2,7 tỷ đồng.

Quá thời gian hứa hẹn mà hai bạn vẫn chưa được tại ngoại, chị Hiền đòi tiền. Phùng trả 1,55 tỷ đồng, còn nợ 1,15 tỷ đồng. Bốn tháng sau, chị Hiền gửi đơn tố cáo lên công an.

Vài ngày sau, chị Hiền bị bắt. Phùng chuyển trả tiền cho chị qua một tài khoản của bạn, song đến nay vẫn thiếu 250 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, Phùng nói thông qua Tâm, biết một chị tên Hà nên đưa tiền nhờ chị Hà lo “chạy án”.

“Chị Hà không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quyết định tại ngoại cho người khác nhưng vẫn hứa giúp. Phùng chủ động đưa 900 triệu đồng để xin giúp, do bận công việc gia đình nên chị Hà chủ động trả lại toàn bộ số tiền Phùng đưa”, cáo trạng xác định. Chị Hà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại vụ án này, ông Tâm thừa nhận giới thiệu chị Hà cho Phùng, nhưng sau đó hai người họ làm việc thế nào, đưa tiền cho nhau thế nào thì không biết.

“Tâm không tham gia việc trao đổi giải quyết công việc, không bàn bạc việc nhận tiền, chia số tiền chị Hiền đưa và không được hưởng lợi gì từ vụ việc, không có căn cứ xác định Tâm đồng phạm với Phùng trong vụ lừa đảo này”, cáo trạng nêu.

Vụ án sẽ do TAND Hà Nội xét xử, chưa được ấn định ngày.

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều