Bất chấp những cơn gió ngược, dòng dịch chuyển tiếp tục đổ về Việt Nam
Theo Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, Tập đoàn DBS Group Holdings (Singapore), bất chấp những cơn gió ngược, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu nhờ vị thế địa chính trị đặc biệt.
Theo đó, tập đoàn DBS công bố kết quả nghiên cứu vào ngày 24/4 cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, bất chấp những cơn gió ngược về tăng trưởng theo chu kỳ ngắn hạn.
Với sự gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn đa quốc gia đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng của mình.
Trong bối cảnh này, DBS tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia “hưởng lợi chính” từ việc tái định vị chuỗi cung ứng hoặc hợp tác sản xuất của những tập đoàn thế giới.
Theo chuyên gia kinh tế của DBS – Chua Han Teng, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi khác nhau.
Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do mở rộng (FTAs), vị trí gần Trung Quốc, chi phí lao động cạnh tranh và hệ sinh thái điện tử đang phát triển, đặc biệt là chiến lược xây dựng hình ảnh Việt Nam như một “đứa con cưng” luôn nhận được sự ưu ái đầu tư sản xuất từ nước ngoài đã đóng góp vào sự thành công của quốc gia Đông Nam Á này.
Nhóm phân tích của DBS lưu ý rằng trong Quý I/2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất mới của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19.
Ông Chua Han Teng nhấn mạnh rằng, mặc dù tổng vốn FDI đăng ký mới đã suy yếu vào năm 2022, nhưng xu hướng hồi phục đang diễn ra, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất vẫn ổn định, cho thấy đóng góp và tầm quan trọng của lĩnh vực này sẽ tăng lên.
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các địa phương có nhiều ưu thế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài như Hà Nội, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng… Các địa phương này có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.
Tuy nhiên, DBS đã cảnh báo rằng Việt Nam đang ngày càng chuyên môn hoá trong sản xuất và xuất khẩu công nghệ, hội nhập vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu và độ mở thương mại của nước này cao (trên 200% – PV), điều này có thể khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các biến động toàn cầu.
Trong Quý 1, giá trị và hoạt động sản xuất của Việt Nam đã giảm 0,4% so với cùng kỳ do xuất khẩu hàng điện tử giảm do nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Nhu cầu đã được bình thường hóa sau đại dịch, nhưng sự thay đổi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn từ các nền kinh tế tiên tiến cũng ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam.