Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn để lại dấu ấn đậm nét trên trường quốc tế

Năm 2021 đang dần kết thúc, đây rõ ràng là một năm không hề dễ dàng đối với Việt Nam và cả thế giới khi Covid-19 tiếp tục gây khủng hoảng toàn cầu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khó khăn cũng dần qua đi, Việt Nam, với nền tảng vững chắc đã thể hiện sức chống chịu đáng nể, cũng đã tập trung sức mạnh để vượt qua khó khăn và đạt được kết quả ấn tượng.

GDP tăng trên 2% trong đại dịch, xuất nhập khẩu đạt hơn 660 tỷ USD, quyết sách chưa từng có trong phòng, chống Covid-19 và rất nhiều thành tựu kinh tế khác mà Việt Nam đạt được. Hãy cùng điểm lại những dấu ấn kinh tế nổi bật của Việt Nam trong năm 2021.

Làn sóng Covid-19 thứ 4 đã “phủ bóng đen” lên tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam khi hàng loạt các tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều phải đối mặt với những khó khăn. Không ít doanh nghiệp đã phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới đầy ảm đạm. Đất nước hình chữ S vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế với GDP tăng trên 2%. Đặc biệt, xuất nhập khẩu vượt mốc 660 tỷ USD, tăng 22,4%, đưa Việt Nam đứng vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Không chỉ dừng lại ở đó, Việt Nam còn xuất siêu gần 3 tỷ USD, trang Reuters ghi nhận.

Hơn nữa, đại dịch Covid-19 đã mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên 29 tỷ USD, tăng 0,5 tỷ USD so với năm 2020 do có môi trường đầu tư an toàn và ổn định trong đại dịch.

Theo Nikkei Asia Review lại đưa ra nhận định rằng, mặc dù Việt Nam chịu phải một lực tác động lớn từ Covid-19, khiến một số nhà máy tạm ngừng hoặc giảm công suất. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh.

Đây là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong việc triển khai nhanh chóng, kịp thời và linh hoạt các chính sách quan trọng, thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Năm 2021 cũng đánh dấu một mốc vô cùng quan trọng cho kinh tế Việt Nam. Đó là sự kiện “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu” diễn ra vào ngày 25/2/2021 do Brand Finance – công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới tổ chức nhằm công bố Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021.

Tại đây, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu, trang Bloomberg đưa tin vào tháng 2/2021.

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, vị trí của Việt Nam được cải thiện, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Qua đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.

Những năm gần đây, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ cao của Việt Nam đã cải thiện và tăng đáng kể. Điều này giúp thu hút các nhà sản xuất nâng cao chuỗi giá trị. Điều này cũng đưa Việt Nam lên vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021. Đây là thông tin do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố.

Trong bối cảnh ngành logistics thế giới trải qua một năm đầy thử thách và biến động, việc Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu đã mở ra những cơ hội đầy triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam.

Điều này cũng phù hợp với nỗ lực đạt mục tiêu Chính phủ Việt Nam đề ra nhằm phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15-20%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về điểm số, thanh khoản và số tài khoản mới trong năm 2021.

Vào phiên 25/11, VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử giao dịch, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Thanh khoản thường xuyên đã đạt mức hàng tỷ USD, đặc biệt lập kỷ lục ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 2,3 tỷ USD.

Chỉ trong 11 tháng, các nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng lượng tài khoản mở mới của 4 năm trước đó cộng lại. Nhà đầu tư trong nước chính là nhân tố quyết định xác lập các kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán trong năm.

Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của xu hướng ưu tiên phát triển nền kinh tế xanh, sử dụng năng lượng sạch, trong đó phải nhắc đến những thành tựu đáng kinh ngạc của hãng xe điện quốc dân Việt Nam – VinFast, đơn vị thành viên của Vingroup.

Năm 2021, VinFast khởi động bằng việc công bố hai dòng xe máy điện, 5 dòng xe ô tô, trong đó có 3 xe ô tô điện và 2 xe ô tô xăng với tên hiệu VF31, VF33 và VF33. Trong đó, đáng chú ý nhất, hôm 22/1/2021, VinFast công bố 3 dòng xe SUV điện thông minh, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với những tính năng thông minh vượt trội.

Cần khẳng định rằng, đây là cột mốc quan trọng, nêu bật tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu của VinFast, đồng thời góp phần đưa Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới.

Đã từng có những kỳ tích, không nhiều người tin rằng, Việt Nam có thể làm được. Tuy nhiên, bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình, người Việt đã chứng minh cho thế giới thấy nhiều điều. Cũng chưa bao giờ công cuộc “make in Vietnam” nổ ra mạnh mẽ và hiệu quả đến thế.

Vaccine, thuốc điều trị Covid-19, giải mã gen người Việt đầu tiên, đến xe điện quốc dân của VinFast, vệ tinh NanoDragon, xu hướng NFT, vũ trụ ảo bùng nổ, làm chủ công nghệ 5G, Viettel hướng đến vệ tinh viễn thám vũ trụ và công nghệ 6G…

Vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam vừa thắng lớn tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) năm 2021, được vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á 2021.

Cùng với danh hiệu Điểm đến hàng đâu châu Á, Việt Nam còn được tôn vinh là Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu lục (Asia’s Leading Sustainable Tourism Destination). Tổng Cục Du lịch Việt Nam cũng là Cơ quan quản lý du lịch hàng đâu châu Á.

Cổng thông tin của Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) đã vinh danh Việt Nam ở rất nhiều hạng mục, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

“Trong năm 2021 đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á 2021”, World Travel Awards đánh giá.

Kết thúc năm 2021, thế và lực của Việt Nam nay đã khác trên trường quốc tế. Kinh tế dần hồi phục mạnh mẽ, nền chính trị ổn định, công cuộc phòng chống tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh, đất nước cơ bản kiểm soát dịch Covid-19, trở lại trạng thái “bình thường mới”. Năm 2022, cùng với khởi đầu mới, hy vọng Việt Nam sẽ còn gặt hái thật nhiều thành công, tạo nên nhiều kỳ tích, thành tựu, kỷ lục mới trên mọi lĩnh vực.

Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N