Bất chấp đại dịch, hàng chục nghìn tỷ vẫn về tay các tỷ phú USD Việt
Các tập đoàn tư nhân vẫn giữ được ổn định trong thời Covid-19, Vingroup doanh thu gần 39 nghìn tỷ, Thế Giới Di Động thu 55 nghìn tỷ và Masan cũng thu xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
Vingroup, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có bứt phá trong mảng sản xuất với mảng sản xuất đóng góp 1/6 tổng doanh thu.
Doanh thu từ hoạt động sản xuất trong kỳ đạt 6.159 tỷ đồng, tăng 184,5% so với cùng kỳ năm trước do trong năm 2019, trong đó doanh thu bán ô tô bắt đầu được ghi nhận từ tháng 6.
Tuy nhiên, doanh thu hợp nhất 6 tháng của Vingroup giảm 36,8% xuống còn gần 38,6 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do không còn doanh thu từ hoạt động bán lẻ do đã chuyển giao hệ thống Vincommerce cho Masan Group cũng như ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Vingroup cho biết doanh thu hoạt động sản xuất (VinFast, Vinsmart) tăng mạnh đã bù đắp một phần cho sự suy giảm.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 8% lên trên 55,6 nghìn tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt 2.027 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. MWG đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Trong quý II, doanh thu thuần của Masan Group tăng trưởng 92%. Còn trong nửa đầu 2020, tập đoàn của ông Quang ghi nhận lợi nhuận gộp tăng trưởng 53% so với cùng kỳ. Tính trong 6 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group tăng 103,3% lên 35.404 tỷ đồng (1,5 tỷ USD), so với mức 17.411 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2019, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng hai chữ số tại mảng bán lẻ The CrownX – dựa trên việc sáp nhập Vincommerce (sở hữu VinMart, VinMart+ và VinEco) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Masan Consumer Holdings (MCH)
The CrownX ghi nhận doanh thu đạt 12,6 nghìn tỷ đồng trong quý II và 25,8 nghìn tỷ (1,1 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2020, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 20,5% và 26,8%.
Trước đó, một loạt ngân hàng tư nhân ồ ạt báo lợi nhuận tăng vọt bất chấp đại dịch.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang công bố lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đạt 6,7 nghìn tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 5,4 nghìn tỷ, tăng 19% so với mức 4,5 nghìn tỷ của nửa đầu năm 2019.
Ngân hàng TMCP Quân đội MBBank (MBB) cũng vừa báo cáo lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng 5% so với cùng kỳ lên hơn 5,1 nghìn tỷ đồng, và hoàn thành trên 50% kế hoạch năm.
Sở dĩ nhiều tập đoàn tư nhân Việt ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận giữa đại dịch Covid-19 là bởi nền kinh tế Việt Nam dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch nhưng chống chịu tốt.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm và 6,8% trong 2021 nếu tình thế thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020. Trong trường hợp thế giới kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021. Việt Nam nằm trong số ít nước có tăng trưởng dương.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 31/7, chỉ số VN-Index giảm mạnh trở lại xuống dưới ngưỡng 800 điểm. Đầu giờ sáng, VN-Index giảm gần 13 điểm xuống 787 điểm.
Theo Rồng Việt, VN-Index kiểm tra thành công vùng hỗ trợ 780 điểm trong phiên trước nên nhịp hồi phục kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý xu hướng chung của thị trường đã theo hướng tiêu cực nên rủi ro vẫn đang tiềm ẩn. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và có thể nương theo nhịp hồi phục kỹ thuật hiện tại để cơ cấu danh mục theo hướng giảm rủi ro.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, VN-Index giảm 22,52 điểm lên 790,84 điểm; HNX-Index giảm 1,12 điểm xuống 106,85 điểm. Upcom-Index giảm 1,11 điểm xuống 54,17 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 6,3 ngàn tỷ đồng.
V. Hà