+
Aa
-
like
comment

‘Bảo vệ Tổ quốc không chỉ bằng vũ khí hiện đại’

22/12/2020 06:01

Bảo vệ đất nước không chỉ bằng vũ khí hiện đại mà còn bằng sức mạnh tổng hợp, từ quốc phòng, an ninh, kinh tế và ngoại giao, theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân.

Nhân dịp 76 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, PV phỏng vấn Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân – nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng, về vấn đề hiện đại hóa quân đội.

– Từ khi ra đời đến nay, sau 76 năm, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua quá trình hiện đại hóa như thế nào, thưa ông?

– Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng xác định phải tổ chức quân đội công nông để giành và giữ chính quyền. Các tổ chức vũ trang lần lượt hình thành ở nhiều nơi. Trên cơ sở này, ngày 22/12/2944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng), đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đây là bước thống nhất đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề hình thành QĐNDVN sau này.

Tàu ngầm lớp Kilo thế hệ thứ ba, do Việt Nam đặt mua của Nga, mang tên HQ-183 mang tên TP HCM. Hiện Việt Nam sở hữu 6 tàu ngầm Kilo. Ảnh: Nguyễn Đông
Tàu ngầm lớp Kilo thế hệ thứ ba, do Việt Nam đặt mua của Nga.

Tháng 4/1945, các lực lượng vũ trang cả nước như Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức khác… được hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân (sau đó đổi tên thành Vệ quốc quân), thực hiện chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Đây là bước hợp nhất quan trọng thứ hai, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân đồng loạt khởi nghĩa giành chính quyền thành công, làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, đã anh dũng chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân còn non trẻ. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Nhiều đại đoàn chủ lực được thành lập như các Đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, Đại đoàn công pháo… cùng toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954.

Sau hiệp định Genève, miền Bắc được giải phóng, quân đội xây dựng kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1955-1960), tiến lên chính quy, hiện đại. Trong khi đó, lực lượng vũ trang miền Nam tiếp tục phát triển để đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch. Đây là giai đoạn quân đội ta phát triển nhanh chóng về lực lượng và khả năng làm chủ, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí hiện đại; đã tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 thắng lợi.

Sau khi đất nước thống nhất, quân đội điều chỉnh một số bước về quân số, tổ chức biên chế, đồng thời đẩy mạnh huấn luyện, xây dựng chính quy phù hợp với tình hình mới, vừa tham gia xây dựng đất nước. QĐNDVN đã giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Từ khi đất nước đổi mới đến nay, quân đội không ngừng trưởng thành về lực lượng, tổ chức, trang bị vũ khí, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

– Những năm gần đây, Việt Nam đã mua sắm tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay chiến đấu… Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc mua sắm này trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc?

– Bất kỳ quốc gia nào mua sắm vũ khí, trang bị để phòng vệ đều là chuyện bình thường. Đối với Việt Nam, càng không ngoại lệ. Chúng ta chủ trương tự vệ, không tiến công ai. Vừa qua Việt Nam mua sắm một số trang bị, vũ khí với tỉ lệ vừa phải, tương xứng với sự phát triển kinh tế của đất nước. Hơn nữa, Việt Nam đang từng bước hiện đại hóa quân đội, mua sắm vũ khí trang bị chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và răn đe những thế lực có mưu đồ xấu.

Tuy nhiên, bảo vệ đất nước không chỉ bằng vũ khí hiện đại mà còn bằng sức mạnh tổng hợp của đất nước, từ quốc phòng, an ninh, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, xã hội. Trong đó, sức mạnh quốc phòng, an ninh có vai trò đặc biệt quan trọng.

Vì vậy, không chỉ mua sắm vũ khí, trang bị hiện đại, quan trọng hơn, chúng ta cần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững chắc. Cần bố trí chiến lược các lực lượng có chiều sâu, liên hoàn bờ – biển – đảo, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có xung đột. Đồng thời, cần xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo, dự bị động viên, hải đoàn, hải đội dân quân, tự vệ biển mạnh, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao. Trên cơ sở phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ấy, trong đó Hải quân làm nòng cốt mới có thể bảo đảm được khả năng bảo vệ chủ quyền, duy trì hòa bình, ổn định lâu dài trên biển.

Phải luôn giữ vững nguyên tắc “trong bờ có ấm, ngoài biển mới yên”, đất nước ổn định, phát triển mới tạo ra được thế và lực cần thiết. Kinh tế biển được chú trọng phát triển những năm qua cũng là cách để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hơn nữa, Việt Nam là nước đang phát triển, cần dành ngân sách đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, chiến lược mua sắm các loại vũ khí, trang bị cần được tính toán trên cơ sở phù hợp giữa mục tiêu bảo vệ Tổ quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chúng ta không nên chỉ chú trọng đến vũ khí hiện đại, càng không nên bi quan khi các nước láng giềng có những trang bị hải quân hiện đại hơn.

Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng. Ảnh: Viết Tuân
Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Hồng Quân – nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng.

– Theo ông, QĐNDVN cần tập trung hiện đại hóa theo hướng nào? 

– Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang thay đổi rất nhanh, cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, quyết liệt, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Biển Đông tiếp tục có những tranh chấp, phức tạp, khó lường. Vì vậy, trọng trách của quân đội là vừa đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, giữ gìn quan hệ hữu nghị để phát triển đất nước.

Quân đội cần xây dựng lực lượng đủ mạnh, có kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xây dựng thế trận lòng dân, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, huấn luyện chiến đấu, tác chiến điện tử, công nghệ thông tin, hậu cần kỹ thuật, nghiên cứu nghệ thuật quân sự thời kỳ mới… Quân đội phải ngày càng tinh nhuệ hơn, trước hết về chính trị, về trình độ, khả năng tác chiến.

Đồng thời, chúng ta tập trung đầu tư cho một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, như Hải quân, Phòng không – Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử và một số lực lượng khác… Đó là cơ sở để tạo nên sức mạnh chiến đấu mới của quân đội, bảo đảm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, vùng trời của Tổ quốc.

Bên cạnh việc tăng cường trang bị, vũ khí hiện đại, cần đẩy mạnh xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao; tổ chức tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, hiệu quả; cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần; điều chỉnh, mở rộng, phát triển lực lượng hợp lý, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ tác chiến.

Lộ trình hiện đại hóa quân đội cần đẩy nhanh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. Đồng thời, cần tiếp tục đa phương, đa dạng hóa hợp tác quốc phòng gắn với đa dạng hóa nguồn vũ khí, trang bị; đa dạng hóa đào tạo nhân lực; khoa học công nghệ quân sự…

Quân đội ta là một trong những lực lượng quân sự giàu kinh nghiệm trận mạc nhất khu vực và thế giới, lại đang có lợi thế về nhiều phương diện và vị thế đang lên. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên Việt Nam được đánh giá cao về sức mạnh quân sự trong khu vực Đông Nam Á.

– Cùng với mua sắm trang bị vũ khí, thời gian qua, công nghiệp Quốc phòng Việt Nam đã được hiện đại hóa ra sao, thưa ông?

– Những năm gần đây, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam có bước tiến rất lớn. Đây là kết quả của chiến lược mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, tận dụng thành quả về khoa học, quân sự trên thế giới, kết hợp với sự sáng tạo của người Việt Nam. Chúng ta đã sản xuất được một số trang bị, vũ khí hiện đại, giá thành rẻ hơn nếu phải đi mua từ nước ngoài. Chẳng hạn, chúng ta đã sản xuất được các hệ thống rađa hiện đại, cải tiến các loại pháo, tăng tầm bắn của đạn pháo, kéo dài tuổi thọ của các loại vũ khí trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, độ ăn mòn kim loại lớn.

Đơn cử, giá một quả tên lửa có khi lên đến hàng triệu USD, nếu kéo dài được tuổi thọ thêm một số năm thì sẽ tiết kiệm được chi phí lớn. Hoặc chiều dài nước ta là 3.200 km, nếu phải mua sắm hàng chục hệ thống rađa sẽ rất tốn kém, nhưng trong nước sản xuất được, nên tiết kiệm được rất nhiều.

Tôi cho rằng, thời gian tới, công nghiệp quốc phòng cần tiến tới làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa tầm bắn lớn, rất cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ.

Hiện một số nước đã chuyển giao công nghệ để Việt Nam đóng tàu quân sự, chúng ta có thể mở rộng hợp tác để phát triển ngành này.

Việt Nam cũng nên đẩy mạnh xuất khẩu một số trang thiết bị phục vụ quốc phòng không có tính sát thương như hệ thống rađa, vải ngụy trang, trang phục đặc biệt cho bộ đội hóa học, cứu hỏa, binh chủng đặc biệt.

Từng là người lính, nên tôi luôn mong đất nước ta mãi bình yên, người dân được sống trong hòa bình, hòa hiếu với các dân tộc. Những người lính không phải nổ súng, chiến đấu như thế hệ chúng tôi nữa. Xây dựng chiến lược hiện đại hóa quân đội lâu dài, sẽ góp phần bảo vệ hòa bình vững chắc, để chiến tranh không xảy ra thêm lần nữa, nhưng vẫn bảo vệ được toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.

Viết Tuân/ VNE 

Bài mới
Đọc nhiều