Bảo vệ Grand Plaza đuổi dân trú mưa: Khách VIP là ai?
Khách VIP đang ngồi trên chiếc xe vào khách sạn cũng không ai muốn xua đuổi người dân để nhường đường cho mình
Nam nhân viên khách sạn Grand Plaza Trần Duy Hưng xua đuổi người dân trú mưa, đại diện truyền thông của khách sạn giải thích do có khách VIP đến, người dân đứng cản “đường đi của khách VIP”. Hành động của nhân viên và cả giải thích của phía khách sạn như “thêm dầu vào lửa” khiến dư luận thêm bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đặt câu hỏi: “Khách VIP đó là ai?”, “VIP cỡ nào mà phải xua đuổi người dân trong điều kiện mưa bão, nguy hiểm để đón tiếp trịnh trọng đến như vậy?”.
Ông Đực nhấn mạnh, là một khách sạn lớn muốn tồn tại không chỉ dựa vào một vài khách VIP mà phải dựa trên nền tảng đạo đức kinh doanh, dựa vào tính chuyên nghiệp và nền văn hóa ứng xử văn minh.
“Không thể đứng ra giải thích do khách VIP mà xua đuổi người dân đang tránh nạn, đó là hành động trái với lương tâm, trái với đạo đức làm người, là đi ngược với luân thường đạo lý, là “đồng lõa” với cách ứng xử thiếu nhân văn, thiếu tình người của nam nhân viên trong câu chuyện này, rất khó chấp nhận”, ông Đực nói.
Ông Đực cho rằng, có chuyện này là do tâm lý xem trọng đồng tiền, xem trọng lợi ích mà coi nhẹ văn hóa, đạo đức doanh nghiệp.
Chính vì xem nhẹ đạo đức doanh nghiệp nên khi sự việc xảy ra thay vì đứng ra nhận lỗi người ta lại tìm cách đổ lỗi loanh quanh.
Ông Đực nói thẳng, cách ứng xử của phía khách sạn không chỉ gây bức xúc với dư luận, người dân mà còn thiếu công bằng, thậm chí còn đang đổ tiếng oan cho chính người khách VIP.
“Nếu là người khách VIP đang ngồi trên chiếc xe vào khách sạn cũng không ai muốn xua đuổi người dân trong cảnh mưa gió nguy hiểm để nhường đường cho mình.
Không phải những người giàu là chỉ biết đến tiền. Người Việt vốn giàu lòng nhân ái, nếu khách VIP biết rằng những người dân trú mưa bão đang bị xua đuổi để nhường đường cho xe của mình vào khách sạn chắc chắn họ sẽ không đồng tình, thậm chí còn sẵn sàng đổi vị trí VIP cho sự an toàn của những người dân trú mưa. Tuy nhiên, cách hành xử của phía khách sạn lại đang cho thấy có tiền là có tất cả, tiền là thước đo giá trị cao nhất.
Sau sự việc vừa rồi, tôi tin bất cứ ai đang ngồi trên chiếc xe VIP đó đều sẽ có ấn tượng rất xấu về cách ứng xử của nam nhân viên khách sạn. Nếu có lòng tự trọng, họ sẽ không muốn lựa chọn, không muốn quay lại khách sạn này vào lần sau”, ông Đực nói.
Vẫn theo ông Đực, một doanh nghiệp hay một khách sạn nếu hoạt động không dựa trên nền tảng văn hóa đạo đức sẽ rất khó bền vững, thậm chí còn bị khách hàng quay lưng. Đây là lý do vì chỉ trong vài ngày clip được tung lên, khách sạn này phải liên tục nhận sao xấu, thậm chí còn bị tẩy chay.
Về phía người nhân viên, ông Đực cho biết cũng nên có cái nhìn chia sẻ hơn vì người nhân viên chỉ làm công ăn lương, thực hiện theo các quy tắc của chủ doanh nghiệp. Thậm chí cả những tình huống giả định cụ thể cũng phải được đặt ra, tập rượt kỹ lưỡng.
Trong trường hợp này, nếu trách người nhân viên một cũng cần phải trách người lãnh đạo doanh nghiệp mười. Ông Đực nói rõ, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng như thế nào là do người lãnh đạo cao nhất, nhân viên cấp dưới chỉ làm theo lệnh, theo quy định.
Vấn đề ở đây là khi đứng trước lựa chọn giữa cơm áo gạo tiền với đạo đức làm người thì người nhân viên ấy đã chọn công việc, chọn giữ lại vị trí, chọn được nhận lương chứ không phải là giúp đỡ người dân, hướng dẫn người dân vào một vị trí an toàn hơn.
“Nếu khi xảy ra sự việc, người lãnh đạo doanh nghiệp có thể đứng ra xin lỗi người dân trú mưa, nhận trách nhiệm về hành động của người nhân viên có lẽ dư luận sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn, dễ tha thứ hơn thay vì một lời giải thích có phần vô cảm như vừa rồi”, ông Đực nói.
Lam Nguyễn