+
Aa
-
like
comment

Bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông: Việt Nam không bỏ qua lựa chọn pháp lý

29/08/2019 06:24

Việt Nam cần cân nhắc thận trọng các khía cạnh để đưa ra quyết định có sử dụng biện pháp pháp lý giải quyết vấn đề Biển Đông hay không.

Chưa đầy một tuần sau khi rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 13/8/2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

 bao ve chu quyen tren bien dong: viet nam khong bo qua lua chon phap ly hinh 1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

“Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có các hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 22/8 nêu rõ.

Tiếng nói bảo vệ chính nghĩa ở Biển Đông

Cũng trong ngày 22/8 (theo giờ Mỹ), trong một tuyên bố gửi đến báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc đã đặt câu hỏi nghiêm túc về những cam kết của Bắc Kinh, bao gồm Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông và đối với việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên biển.

Bản tuyên bố nêu rõ: “Việc Trung Quốc tái triển khai tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ cùng các tàu hộ tống có vũ trang tại vùng biển Việt Nam ngày 13/8 vừa qua là hành động leo thang của Bắc Kinh trong các nỗ lực nhằm đe dọa các nước khác có tuyên bố chủ quyền trong việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông”.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Các hành động của Trung Quốc cản trở hòa bình và an ninh khu vực, gây tổn thất kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn quyền của các nước này tiếp cận các nguồn tài nguyên hydrocarbon ước tính trị giá 2.500 tỷ USD chưa được khai thác. Các hành động này cũng cho thấy Trung Quốc phớt lờ quyền của các quốc gia trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình được quy định tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc phê chuẩn năm 1996”.

 bao ve chu quyen tren bien dong: viet nam khong bo qua lua chon phap ly hinh 2
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: CNN

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8 cũng đã ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí của Việt Nam đi ngược cam kết của Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Trung Quốc gần đây nối lại sự can thiệp cưỡng chế đối với hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động của Bắc Kinh đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong bài phát biểu ở Đối thoại Shangri-La ở Singapore đầu năm nay rằng Trung Quốc gắn liền với con đường phát triển hòa bình”, thông cáo nêu rõ.

Thông cáo cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ không giành được lòng tin của các nước láng giềng và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng việc duy trì các chiến thuật bắt nạt. Các hành động của Trung Quốc nhằm ép buộc các nước ASEAN, xây dựng hệ thống quân sự tấn công và thực thi yêu sách hàng hải bất hợp pháp làm tăng nghi ngờ nghiêm trọng về uy tín của nước này”.

Bình luận về các tuyên bố của Mỹ, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam cho rằng, từ góc độ chính trị quốc tế, việc các quốc gia tuyên bố thể hiện quan ngại trước hành động vi phạm luật quốc tế của một quốc gia đối với quốc gia khác, cũng như yêu cầu ngừng hành động vi phạm là hoạt động thường xảy ra trong quan hệ quốc tế.

“Lập trường của Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông xuất phát từ việc Mỹ không có yêu sách trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi những tranh chấp không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Mỹ ở Biển Đông thì Mỹ vẫn luôn nêu rõ lập trường, quan điểm và có các hành động bảo vệ lợi ích của mình, cụ thể là việc tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP)”, Tiến sĩ Lan Dung nói.

Bà Lan Dung nói thêm: “Hoạt động của tàu Hải Dương 8 là hành vi vi phạm vùng biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không phải khu vực tranh chấp, vì thế Mỹ cũng như các nước có cơ sở để lên tiếng ủng hộ chính nghĩa”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lan Dung cũng lưu ý rằng, cho đến nay Mỹ chưa có thay đổi gì về các nguyên tắc và ưu tiên đối với việc can dự vào các tình huống ở Biển Đông, việc can dự của Mỹ cần dựa trên cơ sở các hiệp ước về an ninh và tương trợ quốc phòng như Hiệp định giữa Mỹ và các đồng minh Nhật Bản và Philippines.

Cân nhắc sử dụng các biện pháp pháp lý

Trong cuộc họp báo ngày 22/8, khi được hỏi về thông tin cho rằng Việt Nam đang cân nhắc để kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình theo đúng các qui định của luật pháp quốc tế”.

Theo Tiến sĩ Lan Dung, các biện pháp pháp lý, cụ thể là việc giải quyết tranh chấp ở các tòa án, tòa trọng tài quốc tế là một trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế được quy định tại Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc, tại Mục 2 phần XV UNCLOS 1982. Hòa bình giải quyết tranh chấp là một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và là nghĩa vụ mà các quốc gia phải tuân thủ.

Việc tiếp cận theo tinh thần thượng tôn pháp luật, sử dụng các biện pháp pháp lý đem đến những lợi ích to lớn cho tất cả các quốc gia trong tranh chấp, cho dù phán quyết có nghiêng về bên nào. Tuy nhiên, cũng có những thách thức nhất định đối với việc sử dụng các biện pháp pháp lý.

Bất cứ quốc gia nào, đều cần cân nhắc thận trọng các khía cạnh có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia một cách tổng thể để đưa ra quyết định có sử dụng biện pháp pháp lý hay không và cần có quyết tâm cao của nhà nước cũng như xã hội. Điều này cũng đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, sự tham gia của đội ngũ chuyên gia pháp lý chuyên môn cao cũng như cần sự chuẩn bị để xử lý các vấn đề có thể phát sinh.

Vụ kiện của Philippines chính là một ví dụ cụ thể. Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông và yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh. Trung Quốc khi đó từ chối tham gia vụ kiện và cho đến nay vẫn tuyên bố không chấp nhận và không tuân thủ phán quyết.

 bao ve chu quyen tren bien dong: viet nam khong bo qua lua chon phap ly hinh 4
Tiến sĩ Phạm Lan Dung.

“Việc một quốc gia là một bên của tranh chấp tuyên bố không tuân thủ phán quyết không làm phán quyết mất đi tính chung thẩm và tính ràng buộc pháp lý. Phán quyết trong một vụ việc quan trọng như vụ Philippines kiện Trung Quốc giành được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, dù tuyên bố không tuân thủ nhưng Trung Quốc ý thức được việc không tuân thủ trên thực tế sẽ tạo ra hệ quả tiêu cực như thế nào đến vị thế và uy tín của quốc gia, sẽ thách thức những nguyên tắc nền tảng của hệ thống quan hệ quốc tế, và thách thức chính sự ổn định cần thiết cho việc duy trì vị thế của Trung Quốc. Khi vẫn còn là quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không quốc gia nào muốn trở thành ví dụ điển hình cho việc không tuân thủ Công ước”, Tiến sĩ Lan Dung nhận định.

Câu hỏi đặt ra ở đây là có thể làm gì để tăng tính ràng buộc của phán quyết nếu có vụ kiện tương tự? Theo bà Lan Dung, về mặt nguyên tắc, tính ràng buộc của phán quyết là như nhau. Khác nhau là khả năng và mức độ tuân thủ và thực thi phán quyết của quốc gia thua kiện. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách tiếp cận của từng quốc gia.

“Theo quy định của luật quốc tế, nguyên tắc đảm bảo thi hành luật là pacta sunt servanda – tận tâm thiện chí thi hành luật pháp quốc tế. Vì vậy, biện pháp khả thi nhất là tác động để quốc gia thua kiện trong vụ việc tự ý thức được ý nghĩa của việc tự nguyện tuân thủ phán quyết. Cách thức và mức độ tác động có thể khác nhau, từ mềm mỏng đến quyết liệt, bao gồm dư luận và sức ép của cộng đồng quốc tế, tuyên bố, phát biểu của từng quốc gia, của các tổ chức quốc tế và khu vực. Vị thế, vai trò và mối quan hệ của quốc gia trên trường quốc tế trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng”, Tiến sĩ Lan Dung cho biết.

[*Ý kiến của Tiến sĩ Phạm Lan Dung trong bài viết là ý kiến cá nhân, không đại diện cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào]

Hùng Cường, Thùy Linh/ VOV

Bài mới
Đọc nhiều