+
Aa
-
like
comment

Bảo vệ chủ quyền trên biển: Bão gió cũng phải làm nhiệm vụ xua đuổi

12/07/2020 22:31

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, lực lượng chấp pháp Việt Nam phải làm nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, thậm chí trong bão gió.

Tàu Trường Sa 01 của Lữ đoàn 125 hải quân trực bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Trường Sa, năm 2008 /// Ảnh: Mai Thanh Hải
Tàu Trường Sa 01 của Lữ đoàn 125 hải quân trực bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Trường Sa, năm 2008

Chốt trực không đơn giản neo đậu một chỗ

Trung tá Phạm Văn Đức, nguyên cán bộ hải đội 812, vùng 2 hải quân nhớ lại: Từ năm 1991, Lữ đoàn 125 được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng tàu chốt trực bảo vệ DK1. Các tàu vận tải, tàu kéo ngay lập tức đã chịu đựng sóng to gió lớn, khắc phục khó khăn, quản lý khu vực được phân công. Trong đó phải kể đến tàu Trường Sa 02 trực liên tục 112 ngày đêm trong mùa mưa bão. “Chốt trực không đơn giản neo đậu một chỗ. Chúng tôi phải tuần tra, tăng cường quan sát. Phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, phải theo dõi chặt chẽ, báo cáo về bờ và sẵn sàng nhận lệnh ngăn cản, đẩy đuổi”, ông Đức kể.

Bảo vệ chủ quyền trên biển: Bão gió cũng phải làm nhiệm vụ xua đuổi - ảnh 1
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam xua đuổi tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền tại vùng biển Cồn Cỏ (Quảng Trị), năm 2005

Nhắc đến Lữ đoàn 125 hải quân, nhiều người chỉ nghĩ nhiệm vụ vận tải hàng hóa, chi viện Trường Sa. Ít ai biết, trước khi lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư được thành lập, các tàu vận tải của Lữ đoàn 125 đóng vai trò chủ công trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Năm 1997, tàu HQ-957 của Lữ đoàn 125 hải quân trực bảo vệ dài ngày ở vịnh Bắc Bộ. Đầu tháng 3.1997, bộ đội tàu phát hiện giàn khoan Kan Tan 03 của Trung Quốc có 3 tàu chiến đấu đi theo bảo vệ hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Tàu HQ-957 đã bám sát, cùng với các đơn vị bạn kiên quyết đấu tranh xua đuổi, buộc phương tiện thăm dò dầu khí Trung Quốc phải ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tàu HQ-957 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc.

Bảo vệ chủ quyền trên biển: Bão gió cũng phải làm nhiệm vụ xua đuổi - ảnh 2
Tàu của Lữ đoàn 125 hải quân trực bảo vệ chủ quyền tại bãi cạn Phúc Tấn

Cũng ở Lữ đoàn 125 hải quân, từ ngày 10.10 – 10.12.1997, tàu Trường Sa 02 đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, nhiều ngày chống chọi với cơn bão số 5 (gió giật cấp 9 – 10), kiên cường bám trụ theo dõi tàu thăm dò Hải Dương 12, tàu Thăm dò 8 của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam, kiên quyết xua đuổi, đấu tranh đúng đối sách, buộc tàu thăm dò và tàu bảo vệ của Trung Quốc phải ra khỏi khu vực.

Đâm va, húc ủi

Trong tài liệu “Hải quân nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ BM06, 07” do Cục Chính trị Hải quân sản xuất tháng 9.2007, nói rõ: Sau Khi hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định phân định nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc được phê chuẩn (30.6.2004), tình hình trong Vịnh Bắc Bộ có ổn định hơn, nhưng tính chất phức tạp trên vùng biển này có xu hướng đẩy ra ngoài cửa Vịnh.

Từ cuối tháng 5.2006, ở khu vực Cửa vịnh Bắc Bộ, tàu thăm dò Tân Hải 501 và 5 tàu phục vụ của Trung Quốc tiến hành thăm dò ở khu vực Đông bắc đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) từ 75 – 84 hải lý, có ngày vượt sang Tây đường xử lý tạm thời từ 1,5 – 5 hải lý.

Đáng chú ý, từ ngày 8.6.2006, Trung Quốc thuê tàu Nordic Service của Mỹ cùng 12 tàu bảo vệ, liên tục tổ chức thăm dò khảo sát ở khu vực Đông bắc đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) từ 80 – 110 hải lý, có lúc vượt sang Tây đường xử lý tạm thời của ta từ 1 – 5 hải lý.

Bất kể ban ngày hay ban đêm, thời tiết xấu, phía Trung Quốc tăng cường từ 3 – 5 tàu vây hãm tàu Việt Nam làm nhiệm vụ. Thời kỳ cao điểm, phía Trung Quốc huy động 17 tàu có vũ trang hỗ trợ tàu thăm dò và ngăn cản quyết liệt các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ tuyên truyền, xua đuổi…

Bảo vệ chủ quyền trên biển: Bão gió cũng phải làm nhiệm vụ xua đuổi - ảnh 3
Tàu nghiên cứu Hải Dương 22 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, năm 2010

Trung tá Nguyễn Văn Hùng, nguyên cán bộ vùng 2 hải quân kể lại: “Khi chúng ta đấu tranh bằng loa tuyên truyền, khẳng định chủ quyền Việt Nam thì tàu hải cảnh, ngư chính Trung Quốc mở bạt pháo 14,5 mm và cho người lên boong chĩa súng AK sang tàu ta đe dọa. Đặc biệt trong các ngày từ 27 – 30.7.2006, phía Trung Quốc đã tăng cường tàu kéo và 6 tàu vận tải loại lớn từ 2.000 – 3.000 tấn ra ngăn cản để gây áp lực. Các tàu của Trung Quốc đã cắt mũi, cắt lái tàu ta rồi đâm thẳng vào các tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên vùng biển của mình, khiến các tàu này bị hư hỏng nặng”.

Ông Hùng cũng cho tôi hình chụp bộ phận thăm dò địa chấn của tàu nước ngoài, cùng các thông số trên màn ra đa, máy định vị… chứng minh sự xâm phạm trắng trợn của tàu nước ngoài đối với chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Bảo vệ chủ quyền trên biển: Bão gió cũng phải làm nhiệm vụ xua đuổi - ảnh 4
Tàu Cảnh sát biển 4032 làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển miền Trung, 2013

Năm 2007, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thăm dò, xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Họ không chỉ dùng tàu vũ trang mà còn cho máy bay các loại ngang nhiên xâm phạm vùng trời vùng biển, nhằm uy hiếp, đe dọa tàu của ta hoạt động trên vùng biển Việt Nam.

Trước hành động Trung Quốc khiêu khích và xâm phạm vùng biển nước ta một cách trắng trợn, được sự chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng (trực tiếp là Đảng ủy và Bộ tư lệnh Hải quân), các biên đội tàu hải quân Việt Nam đã kiên trì triển khai nhiều phương án nhằm cản phá, xua đuổi có hiệu quả các tàu, máy bay của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của ta, vừa đảm bảo giữ vững môi trường hòa bình vừa giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc…, Cục Chính trị Hải quân khẳng định.

Tàu bé chọi với tàu to

Đại tá Nguyễn Văn Kính, nguyên Phó chính ủy vùng Cảnh sát biển 2 vốn là sĩ quan vùng 5 hải quân. Giữa năm 1998, ông nhận yêu cầu chuyển sang công tác tại Cảnh sát biển làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và duy trì nghiêm túc việc thực thi pháp luật trên biển.

Bảo vệ chủ quyền trên biển: Bão gió cũng phải làm nhiệm vụ xua đuổi - ảnh 5
Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thực hiện thăm dò khảo sát dưới sự bảo vệ của các tàu hải quân, năm 2016

Ngày 31.8.1988, Cục Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập, trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân (đóng ở TP.Hải Phòng). Tiếp sau đó, 2 vùng Cảnh sát biển (1 và 5), 2 hải đội (201, 501) được thành lập với 7 tàu phóng lôi cũ K-206 được cải hoán và tất cả vẫn chịu sự chỉ huy về mọi mặt của hải quân.

Năm 2002, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 677/2002/QĐ-TTg phê duyệt dự án xây dựng Cảnh sát biển giai đoạn 2001 – 2010 và Cục Cảnh sát biển về Bộ Quốc phòng, các vùng Cảnh sát biển từ các vùng hải quân được điều chuyển về Cục Cảnh sát biển… lực lượng này mới thực sự phát huy được sức mạnh. Từ tháng 9.2008 đến 8.2013, Cảnh sát biển đã tổ chức hàng nghìn lượt tàu, thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của ta trên biển, phát hiện và tiến hành cản phá, xua đuổi hơn 4.500 lượt tàu, thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Bắt và xử lý 130 tàu thuyền vi phạm chủ quyền, xử lý theo pháp luật.

Bảo vệ chủ quyền trên biển: Bão gió cũng phải làm nhiệm vụ xua đuổi - ảnh 6
Tàu Kiểm ngư Việt Nam (trái) ngăn cản các tàu hải cảnh, hải giám và tàu cá có vũ trang của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam vào năm 2014

Trong năm 2011, Trung Quốc cho các tàu hải giám, hải cảnh, tàu cá dân binh xâm phạm chủ quyền, quấy rối các hoạt động kinh tế biển nước ta, các tàu Cảnh sát biển đã phối hợp bảo vệ an toàn hoạt động khảo sát thăm dò dầu khí của tàu Vinking II, tàu Bình Minh 02.

Đặc biệt, ngày 2.5.2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa). Đi theo Hải Dương 981 là hàng trăm tàu bảo vệ các loại, tạo nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ giàn khoan, chủ động đâm va, húc ủi, dùng vòi rồng công suất lớn phun nước trực tiếp vào lực lượng thực thi pháp luật của ta; kết hợp các tàu quân sự, máy bay quần lượn trên bầu trời răn đe, uy hiếp.

Trước hành động ngang ngược, vi phạm trắng trợn luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng (nhất là Kiểm ngư) triển khai các phương án đấu tranh.

Qua 75 ngày đêm kiên trì bám thực địa, mặc dù phải đối mặt với mọi khó khăn nguy hiểm, lực lượng Cảnh sát biển đã dũng cảm, kiên trì, kiên quyết đấu tranh với các hành động ngang ngược, hung hăng từ phía Trung Quốc, đồng thời thực hiện nghiêm đối sách trên biển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo của Tổ quốc.

Bảo vệ chủ quyền trên biển: Bão gió cũng phải làm nhiệm vụ xua đuổi - ảnh 7
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun nước làm hư hỏng tàu Việt Nam (phải) làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền khu vực biển miền Trung vào năm 2014

Đại tá Nguyễn Văn Kính kể: “Tháng 5.2014 làm nhiệm vụ đẩy đuổi Hải Dương 981, các tàu chấp pháp Việt Nam chủ yếu là tàu nhỏ, chỉ 200 – 400 tấn (tàu CSB-8001 lớn nhất cũng chỉ 2.500 tấn), nhưng phải đối đầu với hàng trăm tàu Trung Quốc. Có ngày cao điểm, phía Trung Quốc đưa ra hơn 300 tàu, trong đó có 6 loại tàu chiến đấu (khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu quét mìn, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ…).

Tháng 5 và 6.2002, các tàu trực của Lữ đoàn 125 hải quân làm nhiệm vụ trực bảo vệ trên khu mỏ Thanh Long và lô 3C đã kịp thời phát hiện, xua đuổi 5 tàu nghiên cứu thăm dò của nước ngoài, bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, trong quá trình vận chuyển hàng, huấn luyện thực tế cho học viên sĩ quan, tàu Trường Sa 16 phát hiện tàu khảo sát, nghiên cứu của nước ngoài mang số hiệu 983 xâm nhập vùng biển Việt Nam. Không chỉ kịp thời báo cáo về sở chỉ huy, tàu Trường Sa 16 đã chủ động bám sát, tiến hành các biện pháp xua đuổi thành công tàu nước ngoài, được Bộ tư lệnh Hải quân khen ngợi…

(Nguồn: Lịch sử lữ đoàn 125, vùng 2 hải quân)

Mai Thanh Hải/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều