+
Aa
-
like
comment

Báo Trung Quốc thừa nhận “gặp đối thủ”: Khi ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang trỗi dậy

Bích Ngân - 03/06/2024 09:39

Ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể, một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ sau những năm khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2012. Theo một bài viết của hãng tin Sputnik vào tháng 5/2024, ngành này đã vượt qua nhiều thách thức để khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu. Với tiềm năng tạo ra giá trị ước tính lên tới 200 tỷ USD mỗi năm, Việt Nam đang vươn lên trở thành một trong những cường quốc đóng tàu hàng đầu thế giới.

Trong danh sách “Top 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới” do Insider Monkey công bố vào tháng 4/2023, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7. Đây là kết quả của sự phát triển không ngừng và những nỗ lực của ngành công nghiệp đóng tàu trong nước. Một trong những sự kiện đáng chú ý gần đây là việc hạ thủy tàu hàng rời Trường Minh Dream 01 trị giá 35 triệu USD vào ngày 11/5/2024. Đây là tàu hàng lớn nhất từ trước tới nay do Việt Nam đóng mới, với tải trọng toàn phần lên đến 65.000 DWT. Toàn bộ công đoạn chế tạo tàu được thực hiện bởi Công ty đóng tàu Nam Triệu cùng các nhà thầu trong nước.

Siêu tàu cao tốc Thăng Long. Ảnh: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Ngày 9/3/2024, Việt Nam cũng ghi nhận thành tựu đáng tự hào khi siêu tàu cao tốc Thăng Long bắt đầu được khai thác trên tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo. Đây là tàu cao tốc một thân lớn nhất Việt Nam, với sức chứa tương đương ba chiếc Boeing. Ngoài tàu thương mại, Việt Nam đã xuất khẩu hàng chục tàu tuần tra cao cấp sang châu Phi trong năm 2020, thể hiện rõ năng lực đóng tàu tiên tiến của mình.

Việt Nam đang trở thành đối thủ đáng gờm với các nhà máy đóng tàu Trung Quốc. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện cả nước có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và 68 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đóng mới lên tới 2,6 triệu DWT mỗi năm. Một bước chuyển lớn trong công suất của các nhà máy đóng tàu Việt Nam là khi Hyundai Việt Nam chuyển sang lĩnh vực đóng mới tàu, liên doanh giữa Hyundai Mipo (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC – Việt Nam).

Vào ngày 23/5/2024, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng tài trợ vốn tín dụng ngắn hạn 3.800 tỷ đồng với Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam. Đây là một bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đóng tàu theo chiều sâu, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mở rộng quy mô sản xuất.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam đang nắm giữ ba lợi thế lớn: chính sách, môi trường và dân số. Từ năm 2010, chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều cải tổ để giải quyết vấn đề phát triển ngành đóng tàu nội địa, thành lập mới Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) và xây dựng hàng loạt kế hoạch phát triển, biện pháp khuyến khích để thu hút đầu tư nước ngoài.

Về môi trường, Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km và nhiều bến cảng nước sâu, cùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, rất thuận lợi cho ngành đóng tàu. Ngoài ra, với dân số khoảng 96 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, đáp ứng nhu cầu lao động thủ công của ngành đóng tàu.

Tàu Trường Minh Dream 01. Ảnh: Bộ Giao thông vận tải

Ngành đóng tàu Việt Nam đang là một trong những ngành trụ cột phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm, phát triển thương mại xuất khẩu và đảm bảo an ninh quốc phòng ven biển. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh từ các nhà máy đóng tàu Trung Quốc, nhu cầu cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hyundai Việt Nam chủ yếu đóng tàu chở dầu thô cỡ trung và tàu chở hàng rời có giá trị gia tăng thấp, nhưng nhờ chi phí thấp hơn, Hyundai Việt Nam cung cấp giá cả cạnh tranh hơn trên thị trường. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp New Sijie, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ngành đóng tàu Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ vào chính sách của chính phủ và những lợi thế tự nhiên.

Tóm laị, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ, với những thành tựu nổi bật và tiềm năng phát triển to lớn. Với sự hỗ trợ từ chính phủ, đầu tư nước ngoài và những lợi thế tự nhiên, ngành này có thể tiếp tục phát triển và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. Tuy còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với chiến lược phát triển đúng đắn và sự nỗ lực không ngừng, ngành đóng tàu Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong tương lai.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều