+
Aa
-
like
comment

Báo Trung Quốc: Sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam 2022

Bảo Trâm - 31/05/2022 10:33

Trang People’s Daily (Nhật báo Nhân dân Trung Quốc) vừa có bài viết tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thán phục vì mức độ phục hồi kinh tế quá mạnh mẽ của Việt Nam sau 2 năm khủng hoảng.

Công nghiệp sản xuất của Việt Nam đang khiến cả thế giới phải ngạc nhiên

Theo đó, trong khi một số nước, trong đó có Trung Quốc, vẫn còn đang phải căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19, các hoạt động kinh doanh của Việt Nam đang sôi nổi trở lại. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam phục hồi với tốc độ nhanh chóng khiến thế giới phải ngạc nhiên.

Trang People’s Daily đã trích dẫn số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I/2022 của Việt Nam công bố ngày 29/3, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2022 của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 4,72% của quý I/2021 và mức 3,66% của quý I/2020.

Từ đó cho thấy, kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, đã mở ra cho Việt Nam những triển vọng phát triển tốt đẹp.

Điều này thể hiện rõ thông qua báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về thu nhập và thương mại trong số các thành viên của RCEP. Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered khẳng định việc tham gia RCEP sẽ tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trang People’s Daily đã đặt ra các câu hỏi: Hệ thống công nghiệp của Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nào? Là một mắt xích trong chuỗi sản xuất châu Á, Việt Nam đang chiếm vị trí nào? Liệu Made in Vietnam có thể trở thành công xưởng mới của thế giới trong tương lai?

Đồng thời đưa ra những phân tích, nhận định như sau:

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý I/2022

Vào năm 2021, để đối phó với dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt nhất. Điều này đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, các biện pháp hạn chế dần dần được nới lỏng, hoạt động kinh doanh được trở lại, kinh tế và thương mại của Việt Nam đã có bước khởi sắc đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I/2022 tăng rõ rệt, GDP quý I đạt 92,175 tỷ USD, tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (4,8%) và Singapore (3,4%).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành nhà máy Hayat Kimya Việt Nam tại Bình Phước.

Thu hút nguồn FDI dồi dào

Trang People’s Daily điểm lại từ năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, thu hút vốn và công nghệ sản xuất của nước ngoài, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế trong nước. Năm 2001, Việt Nam bắt đầu thực hiện cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường và chính sách mở cửa đã làm thay đổi một Việt Nam bị bao vây cấm vận thời gian dài.

Theo đó, Việt Nam cải cách mở cửa dựa trên môi trường đầu tư thuận lợi, đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và công nghệ. Ngay từ năm 2000, nhiều thương hiệu đẳng cấp thế giới như Nike, Adidas, Apple và Samsung đã thành lập xưởng sản xuất tại Việt Nam. Với một số lượng lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngành sản xuất của Việt Nam đã trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng trên thị trường thế giới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính nước này.

Kể từ đó, để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao hơn, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh triển khai chính sách đầu tư nước ngoài.

Kết quả là, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đưa ra luôn thuận lợi hơn chính sách đầu tư nước ngoài của Trung Quốc và có điều kiện môi trường tốt hơn như miễn thuế đất, chi phí lao động tương đối thấp… đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đợt đại dịch COVID-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh chóng, đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, theo People’s Daily.

Vì thế, 2022 hứa hẹn sẽ là một năm Việt Nam thu hút thêm nguồn FDI dồi dào hơn cả. Bở các công ty toàn cầu đều đang muốn hướng đến một điểm đến có thị trường ổn định, giàu tiềm năng như Việt Nam, trang People’s Daily nhận định.

RCEP và CPTPP mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam

Thành viên CPTPP, RCEP

Theo People’s Daily, với việc RCEP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, các tổ chức quốc tế nhìn chung tin rằng hiệp định này sẽ mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và Việt Nam là quốc gia hưởng lợi chính từ RCEP.

Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với các nước thành viên RCEP, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất và nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đều nằm trong khuôn khổ hiệp định này. So với hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác, RCEP có phạm vi cam kết rộng hơn, mức độ tự do hóa và tiêu chuẩn cao hơn. Do đó, việc triển khai RCEP được cho là sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Việt Nam – Singpore nhất trí phối hợp tận dụng hiệu quả CPTPP, RCEP

Theo Báo cáo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered “Việt Nam-RCEP: Cơ hội và thách thức”, việc trở thành thành viên RCEP sẽ tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời kỳ hậu COVID-19. Báo cáo dự đoán sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vào năm 2022 đầy hứa hẹn và nền kinh tế có thể tăng trưởng 6,7%, nhưng dịch COVID-19 vẫn là một nguy cơ lớn không thể chủ quan.

Bài viết trên People’s Daily cũng khẳng định, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 14/1/2019 đã giúp cho hàng “Made in Vietnam” càng có thêm niềm tin.

Đặc biệt nhất, việc Việt Nam tham gia CPTPP có thể thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. RCEP và CPTPP là môi trường cơ bản cho Việt Nam, tạo thuận lợi cho thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương.

Bảo Trâm (Theo People’s Daily)

Bài mới
Đọc nhiều