Báo Trung Quốc nói gì về tiêm kích Su-30MK2 hiện đại nhất của Không quân Việt Nam?
Trang Sina của Trung Quốc gần đây đã có bài viết phân tích về những ưu điểm vượt trội của tiêm kích Su-30MK2 hiện đại nhất mà Không quân Việt Nam đang sở hữu.
Trên cơ sở một phóng sự về Trung đoàn không quân 935, đơn vị đầu tiên được trang bị máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 tối tân, với lô 4 chiếc đầu tiên tiếp nhận vào năm 2004 và phải mất thêm 6 năm để hoàn thiện biên chế 12 chiếc như hiện tại, Sina – trang tin quân sự tiếng Trung đã có bài bình luận về dòng máy bay này của Không quân Việt Nam.
Tờ báo Trung Quốc cho rằng phiên bản tiêm kích Su-30MK2 dành cho Việt Nam gọi là Su-30MK2V, thông qua các đợt mua sắm thì chúng ta hiện có tổng cộng 36 chiếc, đây chính là số lượng tiêm kích Su-30 lớn nhất Đông Nam Á và ở bình diện thế giới thì chỉ thua Trung Quốc với 100 chiếc Su-30MKK và Su-30MK2.
Su-30MK2V được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực SDU-10U cải tiến với hai chức năng chính vượt trội.
Đầu tiên là chế độ tìm kiếm và theo dõi đa mục tiêu, có thể bám sát 10 mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa không đối không tầm trung R-77 tấn công đồng thời 2 mục tiêu trong số đó.
Bên cạnh đó là chế độ tấn công mặt đất, mặt biển, bao gồm lập bản đồ và theo dõi địa hình. Su-30MK2V có thể điều khiển các tên lửa không đối đất như Kh-59, Kh-31A và Kh-35, cũng như ném bom dẫn đường chính xác thông qua kênh laser và TV.
Sina bình luận về việc có thông tin nói rằng Su-30MK2V của Việt Nam được nâng cấp nhẹ trên cơ sở Su-30MK2 Nga bán cho Trung Quốc, vì vậy nó là phiên bản cao cấp hơn, sẽ tạo ra mối đe dọa đáng kể. Nhưng tuyên bố này là một chiều, giống như trước đó tồn tại bình luận rằng Su-30MKI của Ấn Độ cũng tiên tiến hơn Su-30MK2 Trung Quốc.
Trên thực tế, Trung Quốc là nước duy nhất đủ tiềm lực khoa học kỹ thuật tiên tiến để nghiên cứu và phát triển các loại máy bay mới trên cơ sở tiêm kích Su-30MK2 mua từ Nga, nhưng Ấn Độ và Việt Nam không có khả năng này.
Theo phân tích của Sina, Việt Nam đã tham khảo cách mua hàng của Trung Quốc để theo đuổi việc mua sắm vũ khí Nga, tình trạng này giống như Ấn Độ. Hiện tại, Việt Nam không chỉ có Su-27 hay Su-30 mà còn sở hữu 6 tàu ngầm lớp Kilo, sức mạnh chiến đấu quanh khu vực Biển Đông chỉ đứng sau Trung Quốc.
Nhưng hiện tại Trung Quốc không còn phục thuộc quá nhiều vào vũ khí Nga nữa, Su-30MK2 và thậm chí cả Su-35SK cũng đã không còn là những tiêm kích chủ lực của nước này mà họ đã có thêm các loại chiến đấu cơ nội địa như J-16 và J-20.
Cuối cùng Sina cho rằng kể cả Su-27SK và Su-30MK của Trung Quốc cũng không còn giống như nguyên bản khi đã được cải tiến nhiều, đáng kể nhất là việc nó mang được các loại tên lửa nội địa.
Ngọc Hoàng