Báo Trung Quốc: “Cả châu Á chỉ có đoàn Việt Nam trắng tay, họ sang Olympic chỉ để du lịch”
Đoàn thể thao Việt Nam đã bị truyền thông Trung Quốc hết lời công kích do “trắng tay” ở Olympic Tokyo 2020.
Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc Olympic Tokyo 2020 mà không thể giành được tấm huy chương nào. Đây là kết quả không được kỳ vọng, do chúng ta gặp nhiều vấn đề cả chủ quan lẫn khách quan.
Sáng 6/8, tờ Sohu (Trung Quốc) bất ngờ đăng tải bài bình luận nhằm công kích đoàn thể thao Việt Nam. Bài viết có tiêu đề: “Các VĐV Việt Nam chỉ có thể đăng những tấm ảnh du lịch ở Thế vận hội chứ không phải hình ảnh trên bục nhận huy chương”. Chúng tôi xin lược dịch lại nội dung bài viết này.
“Dư luận Việt Nam đã công bố những hình ảnh của tuyển thủ môn bơi lội Nguyễn Huy Hoàng ở Thế vận hội Tokyo 2020. Là một trong những niềm hy vọng giành huy chương của đoàn thể thao Việt Nam, anh chàng này chính là người cầm cờ cho đoàn Việt Nam ở lễ khai mạc Olympic.
Thế nhưng, rốt cuộc Nguyễn Huy Hoàng lại chỉ có thể nổi bật thông qua những hình ảnh đi du lịch ở Olympic Tokyo chứ không phải trên bục nhận huy chương.
Thành tích của đoàn Việt Nam là hết sức kém cỏi. Các VĐV của họ không thể xuất hiện trên bục nhận huy chương ở Olympic, trái ngược hoàn toàn với đoàn thể thao Trung Quốc với vị trí dẫn đầu Thế vận hội.
Khi Olympic Tokyo kết thúc, có lẽ hầu hết các đoàn thể thao ở châu Á đều có huy chương. Chỉ có đoàn Việt Nam là trắng tay, họ không thể giành nổi dù chỉ là một tấm huy chương đồng.
Giống như Nguyễn Huy Hoàng, các VĐV Việt Nam đã sang Olympic Tokyo chỉ là để du lịch tập thể.
Nguyễn Huy Hoàng năm nay đã 21 tuổi. Độ tuổi này được coi là vẫn còn khá trẻ nếu so với các VĐV môn bóng đá hay bóng rổ, nhưng không hề trẻ với các VĐV môn bơi lội. Thế nhưng, Olympic Tokyo cũng là mới là lần đầu tiên Nguyễn Hoàng Hoàng được quyền tham dự Thế vận hội.
Chiều cao của Nguyễn Huy Hoàng là 1m81, nhưng ở đấu trường bơi đỉnh cao, chiều cao này rõ ràng là vẫn còn khiêm tốn. Khi Huy Hoàng đối mặt với giới truyền thông, anh ta thừa nhận mình không đủ khả năng để cạnh tranh huy chương.
Tuy thuộc lại thấp bé khi bước ra đấu trường thế giới nhưng chiều cao của Nguyễn Huy Hoàng vẫn thuộc vào loại hàng đầu trong số các VĐV Việt Nam tham dự Olympic Tokyo. Anh được chọn là người cầm cờ của đoàn Việt Nam trong lễ khai mạc.
Thành tích của Nguyễn Huy Hoàng tại nội dung 800m tự do là 7 phút 54 giây 16, đứng thứ 20 trong tổng số các VĐV tham dự nội dung này. Ở cự ly 1500m tự do, thành tích của anh cũng chỉ là 15 phút 24 giây, đứng thứ 12 trong số các VĐV tham dự.
Trong hai phần thi này, rõ ràng thành tích của Nguyễn Huy Hoàng còn kém rất xa so với các nhà vô địch.
Trong số các VĐV Việt Nam tham dự Olympic, Nguyễn Huy Hoàng là người được hỗ trợ nhiều về tài chính và có thể ra nước ngoài tập huấn với hy vọng có thể cải thiện thành tích ở Olympic. Thế nhưng, rốt cuộc Nguyễn Huy Hoàng đã không lọt vào top 10 trong cả hai phần thi của mình.
Do kết quả yếu kém của Huy Hoàng, truyền thông chỉ có thể tìm thấy những tấm ảnh VĐV này du lịch ở Nhật Bản. Anh ta thuộc vào nhóm các VĐV tương đối yếu ở Olympic, thua cả một số VĐV đến từ châu Phi. Có lẽ vì thế mà dư luận Việt Nam đã không đăng tải nhiều những hình ảnh Nguyễn Huy Hoàng thi đấu ở Olympic.
Bản thân Nguyễn Huy Hoàng cũng hiểu rất rõ rằng ngay sau khi kết thúc các phần thi đấu, anh đã vội vã rời khỏi Nhật Bản để trở về Việt Nam.
Tính đến ngày 6/8, các đoàn thể thao thuộc khu vực Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đã giành huy chương Olympic, riêng đoàn thể thao Việt Nam đến nay thống kê cả ba loại huy chương đều là con số 0.
Các môn như cử tạ nam, nữ, bắn cung, bắn súng, đoàn Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng nhưng rốt cục lại không thể mang về huy chương cho họ. Đối với đoàn thể thao Việt Nam, Thế vận hội Tokyo có thể chỉ giống như một chuyến du lịch tập thể quy mô lớn”.
Mới đây, khi chia sẻ về kết quả của đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo 2020, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho rằng: “…Lần tham dự Olympic 2020, chúng ta chưa đạt được thành tích như mong muốn, kể cả mục tiêu có khả năng tranh chấp huy chương nội dung cử tạ nữ.
Những kết quả thi đấu chưa thành công, dù không muốn nói là do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, xong không thể phủ nhận suốt gần 2 năm qua, kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới.
Các VĐV không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế. Mặc dù thời gian không dài, nhưng đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn.
Đơn cử như những VĐV môn bơi, trong đó có kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, đạt hai chuẩn A nội dung 800m và 1500m từ rất sớm, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Huy Hoàng chỉ tập trong nước, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài phải đóng cửa hoàn toàn.
Có nhiều thời điểm Huy Hoàng không được xuống nước mà phải tập trên bờ. Hay như các VĐV cử tạ sau thi đấu vòng loại về nước phải thực hiện cách ly hơn 40 ngày và các VĐV khác cũng trong hoàn cảnh tương tự vì dịch bệnh. Đây chính là những hạn chế lớn trong quá trình chuẩn bị của VĐV”.
Tiểu Mã