Bảo tồn nền văn hóa Việt Nam – Việc không thể chậm trễ
Người Việt Nam hãnh diện về văn hóa áo dài truyền thống, được trang trọng nâng lên ngôi vị Quốc phục, cũng có người gọi một cách hoa mỹ hơn với cụm từ “Chiếc áo dài quê hương”.
Sở dĩ những người yêu mến tà áo dài Việt Nam bức xúc vì trên Nhật Báo Trung Quốc bản tiếng anh có đăng một bài viết với tiêu đề “phong cách Trung Quốc làm tỏa sáng thời trang Trung Quốc”, kèm theo đó một loạt hình trang phục với thiết kế, tạo hình gần như tương tự tà áo dài Việt Nam từ phom dáng cho tới sử dụng phụ kiện là chiếc nón lá.
Đa số ý kiến của người Việt Nam sau khi xem xong đều khẳng định nhãn hiệu thời trang Trung Quốc này đã có hành vi cố tình sao chép thiết kế mẫu áo dài truyền thống của Việt Nam, rồi gọi là sáng tạo, cách tân.
Sự việc này gợi nhớ tới câu chuyện cách dây 3 năm, nền âm nhạc Việt Nam phải rốt ráo tổ chức hội thảo đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam, bởi thông tin có quốc gia lên tiếng khẳng định cây đàn bầu là của họ. Các đại biểu kiến nghị cần phải xây dựng ngay bộ hồ sơ cây đàn bầu Việt Nam để trình lên UNESCO trước khi quá muộn. Bởi càng để lâu, chúng ta càng có nguy cơ mất chủ quyền với cây đàn bầu truyền thống.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ phải đối mặt với thảm họa gì khi những di sản văn hóa của Việt Nam được gìn giữ, trao truyền qua hàng nghìn năm, thân thuộc bao đời với người Việt Nam đứng trước nguy cơ mất chủ quyền. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Việt Nam có một khối lượng di sản văn hóa to lớn, trong đó hàng chục di sản văn hóa vật thể và phi phật thể đã được UNESCO công nhận, nhiều tư liệu quý giá được ghi danh là những di sản tư liệu thế giới. Thế nhưng trong những năm qua, chúng ta còn thiếu những chiến dịch quy mô và bài bản để giới thiệu, để khẳng định những giá trí có một không hai của những di sản đó trên toàn thế giới, để bạn bè khắp 5 châu ghi nhận đó là di sản quý, riêng có của chỉ riêng Việt Nam.
Cũng giống như thân phận của hạt gạo, hạt tiêu, cà phê, chè hay một số đặc sản của Việt Nam. Thương hiệu của các di sản văn hóa Việt Nam ít được thế giới biết đến, thậm chí ngày càng nhạt đi, chìm đi trong rất nhiều tầng lớp thông tin đa dạng trên toàn cầu hiệu nay. Công nghệ thông tin đang khiến cho không gian văn hóa của cả nhân loại bị xóa nhòa. Các dân tộc hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn và văn hóa trở thành tài sản quý báu chung của toàn nhân loại.
Nhưng nếu không cảnh giác, có thể có những di sản văn hóa quý giá của Việt Nam bị một quốc gia nào đó lăm le cướp mất với những chiến dịch quy mô và rộng lớn. Trong khi đó ngành văn hóa cũng như các địa phương đang rất lúng túng cho việc đối mặt với những khủng hoảng về văn hóa như vậy. Số phận của các di sản văn hóa vốn mong manh, càng khó trụ lại trong cơn bão của thế giới phẳng.
Bảo tồn di sản trong bối cảnh toàn cầu hóa cần ở lãnh đạo ngành văn hóa một tầm nhìn mới và những hành động quyết liệt, hiệu quả. Rất cần những chiến lược bài bản, bảo tồn từng di sản tiêu biểu của Việt Nam, đồng thời tăng cường quảng bá các di sản của Việt Nam trên toàn thế giới. Cần sớm có chiến dịch mang tầm quốc gia, khẳng định các giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời chống lại các nguy cơ tác động tiêu cực tới di sản văn hóa từ bên ngoài.
Bản sắc văn hóa chính là tâm hồn của mỗi dân tộc, bởi vì không có chiếc chìa khóa vạn nang nào có thể mở cửa vào nền văn hóa của một dân tộc, ngoài trừ chính tâm hồn của dân tộc ấy. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chính văn hóa là bệ đỡ để mỗi dân tộc khẳng định tiếng nói, uy thế của mình và tạo nên sức mạnh để cất cánh