Bão số 9 càn quét dữ dội, miền Trung thiệt hại nặng nề
Từ trưa 28/10, bão số 9 đã bắt đầu đổ bộ vào đất liền nước ta ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Cơn bão số 9 được so sánh với bão Damrey năm 2017 về sức mạnh và sự tàn phá đang gây ra rất nhiều hậu quả nặng nề cả về người và của cho các tỉnh miền Trung nước ta.
Cập nhật đến 15h chiều 28/10 từ Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 cho biết, ảnh hưởng của bão đã làm 1 người chết là anh Nguyễn Văn H. (SN 1981, ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Quản Ngãi). Anh H. chết khi chằng chống nhà ở bị té ngã. Hai người bị thương ở Bình Định cũng với lý do giằng chống nhà cửa.
Ngoài ra, một tàu cá Bình Định với 12 ngư dân đang trên đường tránh bão thì bị chìm cách bờ Phú Yên 330 km. Một tàu cá Bình Định khác với 14 người bị chìm cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km. Hai tàu cá gần vị trí tàu gặp nạn được huy động hỗ trợ cứu giúp nhưng thời tiết xấu không thể tiếp cận. Bộ Quốc phòng hiện đang lên kế hoạch điều tàu hải quân cùng với máy bay tìm kiếm 26 ngư dân mất tích trên.
Thiệt hại về tài sản cũng rất lớn khi gió mạnh kèm mưa lớn đã làm sập nhiều nhà dân và làm tốc mái 1.095 nhà. Tỉnh Quảng Ngãi có nhiều nhà bị tốc mái nhất 934 nhà, tiếp theo là Gia Lai 109 nhà, Phú Yên 44 nhà. Số liệu nhà dân bị hư hỏng đang được tiếp tục cập nhật.
Khi đi sâu vào đất liền, hoàn lưu bão số 9 đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại tỉnh Kon Tum. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9, từ 19h ngày 27/10 đến 14h ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và Kon Tum có mưa rất lớn 200-450mm.
Ghi nhận ban đầu, tại tỉnh Kon Tum, mưa lớn đã gây ngập lụt, chia cắt 2 thôn tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà. Hiện 259 hộ/ 1.225 người dân của hai thôn này bị chia cắt. Ngoài ra, 1 cầu treo ở huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ/680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng. Một số vụ sạt lở đất đã gây ách tắc giao thông tại 4 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Còn tại Bình Định, theo thống kê chưa đầy đủ, do ảnh hưởng của bão, hệ thống điện mặt trời tỉnh Bình Định bị hư hại.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đường dây 500kV bị bão số 9 tràn qua gây sự cố mất điện 94-100% trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Nhiều địa phương khác cũng bị mất điện như Quảng Nam 73%; Đà Nẵng 30%; Phú Yên 27%, Thừa Thiên – Huế 15%. Ba tỉnh Gia Lai – Kon Tum – Đăk Lắc 8-13%. Tổng công suất mất 900MW. Cùng với đó còn có 28 sự cố đường dây 110-220kV.
Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, các công việc cần tiếp tục triển khai gồm: theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ sau bão. Tổng hợp thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả (đặc biệt là tại tỉnh Quảng Ngãi).
Triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông cho đến khi bão tan.
Đồng thời, vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình. Tăng cường lực lượng trực ban và chia sẻ thông tin kịp thời về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó khắc phục hậu quả; chỉ đạo ứng phó mưa lũ khu vực thấp trũng và khu vực Tây Nguyên.
Một số hình ảnh thiệt hại do mưa bão tại các tỉnh thành nước ta:
B.Châu/CAND