Bão số 6 – Nakri giật cấp 14, bẻ hướng về phía đất liền
Bão số 6 (Nakri) di chuyển chậm giữa Biển Đông với sức gió tăng dần lên cấp 10-11, giật cấp 14. Cơn bão được dự báo ngày càng mạnh khi bẻ hướng về phía đất liền.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 16h ngày 7/11, bão số 6 (tên quốc tế là Nakri) còn cách đảo Song Tử Tây khoảng 380 km về phía đông bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. Trong 24 giờ tới, bão hầu như ít dịch chuyển, sau đó đổi hướng đi chậm về phía tây và tiếp tục mạnh lên.
Chiều 8/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 270 km về phía đông bắc. Lúc này, bão mạnh thêm 1 cấp, đạt cấp 11-12, giật cấp 15. Những giờ tiếp theo, bão sẽ giữ nguyên hướng di chuyển, tiếp tục tăng cường độ và tăng tốc lên 10-15 km/h. Ngày 9/11, tâm bão có thể cách đảo Song Tử Tây 230 km về phía tây bắc với cường độ không thay đổi so với 24 giờ trước đó.
Bão có xu hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc cũ, sức gió có thể suy yếu hơn khi ngày càng tiến gần về đất liền. Tâm bão cách đất liền Quảng Ngãi – Khánh Hòa 90 km về phía đông, sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14 trong ngày 10/11.
Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi và vận tốc, tiến sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.
Cơ quan khí tượng cảnh báo do ảnh hưởng của bão, các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên – Huế đến Phú Yên và phần phía đông của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum có mưa lớn tập trung trong các ngày 9-11/11.
Lượng mưa tại các khu vực có thể đạt trên mức 100 mm/ngày. Sau khoảng thời gian này, mưa vẫn duy trì ở Trung Bộ nhưng với cường độ giảm rõ rệt.
Trước đó, khu vực Nam Trung Bộ cũng vừa đón bão số 5 quét qua trong các ngày 30-31/10. Ảnh hưởng của bão gây mưa rất lớn cho các tỉnh miền Trung trong nhiều ngày.
Lo ngại các địa phương chưa kịp ổn định tình hình sau bão số 5 đã phải đón thêm cơn bão mới, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử cán bộ xuống đánh giá tình hình khắc phục và nhu cầu hỗ trợ sau bão số 5 tại các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Nhà chức trách đã gửi công văn khẩn tới các địa phương yêu cầu triển khai các hoạt động di dời tàu thuyền đang hoạt động trên biển, theo dõi chặt chẽ các diễn biến của bão số 6 để có phương án ứng phó kịp thời.
Theo báo cáo nhanh của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến sáng 7/11, đơn vị đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 47.000 phương tiện, 100.000 lồng bè và người dân biết các diễn biến và hướng di chuyển của bão.
Hiện, khu vực phía tây Trường Sa vẫn còn 3 tàu cá, trên đó có 33 ngư dân chưa liên lạc được. Bộ tư lệnh đã phối hợp cùng gia đình các thuyền viên để liên lạc nhưng chưa có thêm thông tin.
Bộ Ngoại giao cũng đã có công hàm đề nghị Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.
Trước đó, ngày 6/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho hay địa phương đã gửi văn bản hỏa tốc kiến nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có biện pháp hỗ trợ để các tàu của ngư dân địa phương vào Philippines tránh trú bão.
“Hiện 260 ngư dân cùng sáu tàu cá ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang trong vùng ảnh hưởng bão số 6 xin vào đảo Luzon, Philippines trú tránh. Hiện Bộ Ngoại giao đã liên hệ với nước này tạo điều kiện cho ngư dân miền Trung vào tránh bão số 6”, ông Bính nói.
Tỉnh Bình Định cũng gửi văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Ngoại giao liên hệ với phía Philippines cho phép 170 ngư dân cùng 31 tàu hoạt động trong vùng ảnh hưởng bão số 6 vào nước này trú tránh.
Mỹ Hà – Minh Hoàng/ Zing News