Báo Sạch nhưng thật sự có sạch?
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, 3 thành viên khác của nhóm “Báo Sạch” vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Ngay sau thông tin này, nhiều đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã tiến hành xuyên tạc bản chất vụ án, tung ra các luận điệu sai trái, vô căn cứ, vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền, “bắt giữ các nhà báo độc lập vô căn cứ”.
“Báo Sạch” không hề sạch…
Thông tin về việc 3 thành viên khác của nhóm “Báo Sạch” bị khởi tố, bắt tạm giam khiến dân tình không khỏi bàn tán xôn xao. Thực tế, việc những người này sẽ bị khởi tố để phục vụ điều tra là điều mà người ta hoàn toàn có thể đoán trước sau khi Trương Châu Hữu Danh bị bắt giam. Tuy nhiên, không ít người làm báo cũng đã thở dài trước sự trượt dốc của một số người từng làm báo. Vì nếu nhìn một cách khách quan, trong số những người vừa bị khởi tố, bắt giam giam, đã có người từng là phóng viên, nhà báo “cứng tay nghề”.
Theo thông tin được tung ra, “Báo Sạch” hoạt động với tôn chỉ “Độc lập với nguồn tin – Kiểm chứng thông tin – Trung lập với chính trị” với mục đích bảo vệ lẽ phải. Thông qua các trang mạng xã hội, “Báo Sạch” lợi dụng những sự kiện nóng, được dư luận xã hội quan tâm để từ đó tung ra các nhận định, đánh giá phiến diện, sai trái, dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực.
Không ít thành viên của “Báo Sạch” có biểu hiện cơ hội chính trị, liên tiếp xuất hiện tại các điểm nóng về an ninh trật tự, nhất là tại các trạm BOT để thực hiện chiến dịch “đánh BOT”. Thậm chí, có đối tượng còn ảo tưởng sức mạnh, thực hiện nhiều hoạt động công kích, xuyên tạc hệ thống pháp luật của Việt Nam, lợi dụng một số vụ án để kích động dư luận hoài nghi với sự nghiêm mình và hệ thống pháp luật của Việt Nam. Ngoài ra, “Báo Sạch” cũng không giấu diếm tham vọng về chính trị khi công khai cổ vũ các phong trào “cách mạng đường phố” cũng như kích động người dân tụ tập, chống đối chính quyền theo hình mẫu tại Hồng Kông. Không chỉ vậy, “Báo Sạch” còn lợi dụng hoạt động báo chí để dẫn dắt dư luận, gây sức ép cho không ít cơ quan, đơn vị, địa phương.
Liên quan đến nhóm “Báo Sạch”, nhiều đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã lợi dụng thông tin để xuyên tạc, chống phá chính quyền. Theo đó, các đối tượng xấu rêu rao cho rằng lý do các thành viên của nhóm “Báo Sạch” bị bắt giam là do “dám tố cáo sai phạm của quan chức”, “dám đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền”, “dám đi ngược, viết trái ý với tuyên giáo”, “viết không theo ý Đảng”… Từ đây, các đối tượng quy kết Việt Nam bắt giữ các “nhà báo độc lập” là đang ngăn cản quyền tự do báo chí, vi phạm dân chủ, nhân quyền. Đây rõ ràng là những luận điệu kệch cỡm, vô căn cứ, thể hiện rõ mưu đồ chống phá về mặt chính trị.
Trước hết, vụ án liên quan đến Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm là vụ án hình sự. Việc khởi tố, bắt tạm giam với các bị can căn cứ trên kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được. Không thể đánh tráo bản chất vụ án, tô vẽ “màu sắc chính trị” để tạo cớ chống phá.
Thứ hai, không phải ai mang mác “nhà báo” cũng luôn luôn đúng. Việc quy chụp cho rằng cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam các “nhà báo độc lập” của nhóm “Báo Sạch” để ngăn chặn “tự do báo chí” là sai trái, phi lý. Dù họ là “nhà báo” hay bất kỳ ai đi chăng nữa nếu có sai phạm cũng sẽ bị xử lý theo đúng quy định, “quân pháp bất vị thân”.
Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những ai không tôn trọng pháp luật, lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để thực hiện các hành vi phi pháp, chống phá Đảng, Nhà nước thì chắc chắn sẽ bị nghiêm trị.
Bảo An
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả