+
Aa
-
like
comment

Báo quốc tế: Việt Nam chiến đấu với đại dịch COVID-19 bằng bản sắc dân tộc

31/03/2020 09:25

“Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của đại dịch, tuyên bố ‘chiến tranh’ với virus bằng tất cả sức mạnh, kinh nghiệm tổ chức và sự khéo léo,” một bài đăng trên báo Chile viết.

Báo quốc tế: Việt Nam chiến đấu với đại dịch COVID-19 bằng sự dũng cảm, kinh nghiệm tổ chức và khéo léo
Báo quốc tế: Việt Nam chiến đấu với đại dịch COVID-19 bằng sự dũng cảm, kinh nghiệm tổ chức và khéo léo

Chủ tịch Viện Văn hóa Hữu nghị Chile – Việt Nam, bà Patricia Abarzúa Muñoz, mới đây đã có bài “Việt Nam và Đại dịch Virus corona” đăng trên báo DiarioUChile ngày 27/3. Dưới đây là nội dung bài viết:

Với dân số 95 triệu người, Việt Nam phải đối diện với một thách thức lớn trong khi dịch bệnh COVID-19 lây lan tới khắp các quốc gia trên hành tinh. Một virus tấn công con người bất kể thời tiết, bất kể quốc tịch hay vị trí xã hội đang đánh giá năng lực ứng phó của mỗi quốc gia bằng cách kiểm tra các giá trị và cấu trúc hoạt động của mỗi nước.

Khoảng 60 ngày trước, ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh khi cả Việt Nam chuẩn bị đón ngày tết âm lịch.

Kể từ đó, biết được những chuyện từ chính quyền và người dân ở Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam quyết định hành động nhanh chóng, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh ngay từ đầu. Những tính chất của dịch bệnh mới và vị trí nằm sát Trung Quốc khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nguy cơ cao bùng phát dịch mặc dù tâm dịch nằm cách khá xa biên giới giữa hai nước.

Lời kêu gọi “tham chiến” với dịch bệnh đã được chuyển tới toàn bộ các cơ quan chính phủ và tất cả các tổ chức xã hội. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đã được thành lập và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Cục Quân y đã thiết lập một hệ thống phối hợp với các cuộc họp online được tổ chức liên tục nhằm đánh giá hiệu quả và tình hình họ phải đối mặt mỗi ngày.

100 điểm cách ly đã được thiết lập bên trong các khu vực quân đội, cung cấp chỗ ở cho khoảng 36.000 người, bao gồm 362 người nước ngoài. Họ được cung cấp những đồ vệ sinh cá nhânvà thực phẩm cần thiết trong suốt thời gian ở tại khu cách ly.

Bộ Quốc phòng đã yêu cầu lực lượng quân đội tuân thủ luật lệ cách ly và đáp ứng nhu cầu của những người đang được cách ly, cung cấp thông tin cần thiết cho họ và gia đình.

Việt Nam thực hiện xét nghiệm miễn phí cho khoảng 8.000 tới 10.000 người mỗi ngày để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Việt Nam coi chống dịch như chống giặc, liên tục áp dụng những khuyến nghị của WHO một cách sáng tạo và đổi mới để hạn chế các nguồn lây nhiễm.

Thủ tướng Chính phủ đã ca ngợi cống hiến của tất cả các tổ chức xã hội, kêu gọi thế hệ trẻ giúp đỡ người lớn tuổi, những người có vấn đề sức khỏe và tăng cường sử dụng công nghệ trong cuộc chiến chống COVID-19.

Cùng lúc đó, Việt Nam đã yêu cầu 6,3 triệu nhân viên công đoàn đưa ra các chứng nhận về sức khỏe để cho phép phát hiện, phân loại và giúp đỡ sớm những người dễ bị lây nhiễm.

Hiện tại, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của đại dịch, tuyên bố “chiến tranh” với virus bằng tất cả sức mạnh, kinh nghiệm tổ chức và sự khéo léo mà Việt Nam đã sử dụng trong những cuộc chiến khác.

Hàng không Việt Nam đã tạm hoãn tất cả các chuyến bay quốc tế. Ngày 30/4 sắp tới đánh dấu kỷ niệm 45 năm kết thúc cuộc chiến chống lại cường quốc quân sự Mỹ. Lần kỷ niệm này Việt Nam sẽ phải đối diện với một kẻ thù vô hình đang đe dọa Việt Nam và cả thế giới bằng khả năng chưa thể đo lường được.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ chiến đấu bằng sự dũng cảm, năng lực, sự khéo léo và khả năng tổ chức mà họ đã làm 45 năm trước trong một cuộc chiến khác, bởi họ hiểu rằng những giá trị và bài học lịch sử theo cùng với họ đã là một “vũ khí” mạnh mẽ.

Có thể, Việt Nam một lần nữa sẽ là hình mẫu cho toàn nhân loại.

Tất Đạt/TTT

Bài mới
Đọc nhiều