+
Aa
-
like
comment

Báo Pháp: Việt Nam, vùng đất màu mỡ cho các doanh nghiệp Pháp

Bảo Trâm - 28/03/2022 09:37

Trang Bpifrance, chuyên trang đầu tư kinh tế của Pháp vừa qua đã có bài viết với tiêu đề “Vietnam : quelles opportunités économiques pour les entreprises françaises ?” (Việt Nam: Cơ hội kinh tế nào cho các công ty Pháp?), qua đó phân tích những thế mạnh kinh tế của Việt Nam, mở ra cơ hội đầu tư lâu dài  cho các doanh nghiệp Pháp. 

Với gần 100 triệu người tiêu dùng, Việt Nam là mảnh đất đầy cơ hội cho các công ty của Pháp. Ông Thierry Mermet, giám đốc điều hành của Source Of Asia (SOA), cùng ông Damien Bazin, giám đốc phát triển quốc tế tại SOA và ông Isabelle Hernio, giám đốc quốc tế của French Furniture, nói về những triển vọng kinh tế tại Việt Nam trên Bpifrance.

Ông Thierry Mermet nói: “Việt Nam là điểm đến đầu tư thứ 8 trên thế giới. Là quốc gia sẵn có nhiều cơ hội cho các công ty của Pháp, đặc biệt là những mặt hàng sản xuất tại Pháp đang rất được ưa chuộng. Phát biểu tại buổi tư vấn kinh tế Big của Pháp, ông Thierry Mermet, Damien Bazin và Isabelle Hernio đều đưa ra những đánh giá cao đồng nhất về những lợi thế kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam: thị trường với 97 triệu người tiêu dùng

“Việt Nam là quốc gia đông dân thứ mười bốn trên thế giới với gần 100 triệu dân”, Thierry Mermet nói một cách chắc chắn, thị trường này không thể bị bỏ qua bởi các doanh nhân Pháp, đặc biệt bởi ưu thế “dân số trẻ, năng động đồng thời sở hữu nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm phương Tây”.

Trên thực tế, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện có đủ khả năng mua các sản phẩm sản xuất tại Pháp hoặc tại châu Âu và đang dần chuyển hướng sang sử dụng các sản phẩm nhập khẩu. Ví dụ như việc sở hữu đồ nội thất của Pháp được đánh giá rất cao một phần do chất lượng và cũng bởi khả năng thể hiện địa vị xã hội.

Isabelle Hernio cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến thị trường khách sạn nổi lên nhanh chóng, điều này cho thấy tiềm năng phát triển của các quán cà phê, khách sạn và nhà hàng bên cạnh việc sản xuất đồ nội thất và đồ đạc kiểu Pháp cho thị trường Việt Nam”. Các công ty của French Touch vì vậy có nhiều cơ hội để khai thác thị trường Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đầu tư vào nền kinh tế địa phương

Vào năm 2020, EVFTA, một hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, đã có hiệu lực. “Thỏa thuận này đem lại rất nhiều lợi ích: giảm bớt các rào cản gia nhập, đơn giản hóa thủ tục hành chính hoặc xóa bỏ dần 99% thuế hải quan giữa hai khu kinh tế”, ông Damien Bazin xác nhận. Ông cho biết thêm việc chính phủ Việt Nam đầu tư đặc biệt vào lĩnh vực y tế, đặc biệt việc “chi tiêu cho y tế chiếm 6,5% GDP” và “Việt Nam dẫn đầu về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng y tế.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, “trách nhiệm với Việt Nam, yêu Việt Nam và hiểu Việt Nam”, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”.

Ngành công nghiệp thực phẩm, một lĩnh vực tiềm năng cho các doanh nghiệp

Ông Damien Bazin tuyên bố: “Sức tiêu thụ thịt lợn tại thị trường Việt Nam là rất lớn” . Sản xuất trong nước rất mạnh và đòi hỏi rất nhiều thiết bị, đặc biệt trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt, điều này đã tạo ra cơ hội lớn cho các công ty Pháp.

Đồng thời, ông cũng giải thích thêm rằng việc truy xuất nguồn gốc, vệ sinh và chất lượng thực phẩm đã trở thành vấn đề lớn sau nhiều vụ bê bối thực phẩm trong những năm gần đây. Giám đốc phát triển quốc tế của SOA còn cho biết thêm: “Chính phủ đang thực hiện ngày càng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng sản xuất địa phương”.

“Để đảm bảo truy xuất nguồn gốc thịt lợn, những con lợn được trang bị vòng đeo tay nhận dạng chỉ được tháo ra tại thời điểm giết mổ, đây là biện pháp được các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đặc biệt coi trọng”, ông Damien Bazin kết luận.

Hồng Ngọc (Theo Bpifrance)

Bài mới
Đọc nhiều