+
Aa
-
like
comment

Báo Pháp: Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Hồng Ngọc - 11/04/2022 08:17

Trang Lefigaro của Pháp nhận định, hiện tại, trong khi số ca nhiễm biến thể Omicron vẫn ở mức cao và việc giá nguyên vật liệu toàn cầu tăng đột biến gần đây do xung đột Nga-Ukraine, nền kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tốt.

Trích số liệu của tổng cục thống kê cho biết, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 5,03% trong quý đầu tiên của năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đây là thành tích kinh tế được xem là thấp nhất trong ba thập kỷ qua, chủ yếu gây ra do các hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch Covid-19. Tuy nhiên theo cơ quan xếp hạng Fitch Ratings vẫn dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn sẽ đạt ít nhất 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023.

Theo Lefigaro, với gần 340 tỷ USD hàng hóa được trao đổi trên toàn thế giới vào năm 2021, Việt Nam ngày càng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo tổng cục thống kê, trong hai tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất nhập khẩu năm 2021 lập kỷ lục mới bất chấp Covid-19. Ảnh minh họa.

Trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 vào năm ngoái, nhiều công ty lớn ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu… đều lo ngại việc sụt giảm sản lượng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa của họ. Ông Shimizu Akira, trưởng đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho rằng việc giảm sản lượng của Việt Nam sẽ làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu đồng thời làm giảm lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Việt Nam đã khiến thế giới phải trầm trồ về sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau giãn cách, bức tốc lấy lại vị thế trong chuỗi cung ứng. Vì thế, trang Nikkei cho rằng Việt Nam là quốc gia đang có vị trí tác động đặc biệt lớn đến ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản. Điển hình là việc 40% hệ thống dây điện ô tô được cung cấp từ Việt Nam.

Đặc biệt, trong bản báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vào tháng 2/2022, ngân hàng thế giới (WB) chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực vào đầu năm 2022 khi các chỉ số chính của kinh tế Việt Nam đều tăng mạnh trước tết nguyên đán sau khi tỷ lệ tiêm chủng cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bằng mọi biện pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, quyết liệt thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Theo Lefigaro, thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nhiều thập kỷ qua đã giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt doanh thu xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam năm ngoái đạt gần 58 tỷ USD còn máy vi tính cũng đạt khoảng 51 tỷ USD. Bên cạnh đó, hai ngành da giày và dệt may cũng đóng góp hơn 60 tỷ USD, gỗ và sản phẩm từ gỗ có doanh thu 15 tỷ USD…

Trích ý kiến từ ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Hanoi) cho biết rằng các nhà đầu tư Mỹ đã đóng vai trò tích cực trong việc chuyển đổi và phát triển nền kinh tế Việt Nam với việc đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ, hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp. Điều này có đóng góp đáng kể vào xuất khẩu và nguồn thu thuế của Việt Nam.

Đồng thời vào năm 2021, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ cũng đã đạt hơn 111 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tháng 8/2021, khi Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt thứ 4 của đại dịch Covid-19, 90 CEO các thương hiệu lớn của Mỹ như Coach, Gap, Hane Brands, Nike… đã kêu gọi Tổng thống Mỹ tăng cường viện trợ vắc xin tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, 15 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP (xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (với Liên minh châu Âu), UKVFTA (với Anh) và hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ tháng 1/2022 cho thấy điểm mạnh trong quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới đồng thời tạo điều kiện cho sự đa dạng hóa và giảm phụ thuộc vào một số thị trường, trong đó có Trung Quốc.

Hiện tại, trong khi số ca nhiễm biến thể Omicron vẫn ở mức cao và việc giá nguyên vật liệu toàn cầu tăng đột biến gần đây do xung đột Nga-Ukraine, nền kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tốt. Theo cơ quan xếp hạng Fitch dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023.

Vì vậy, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021 đã trở thành lợi thế dài hạn để các công ty toàn cầu chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam.

Hồng Ngọc (Theo Lefigaro)

Bài mới
Đọc nhiều