+
Aa
-
like
comment

Báo Pháp: Việt Nam giữ bí quyết thành công của chiến lược chi phí thấp

15/04/2020 17:00

Trang Asialyst, báo mạng chuyên về châu Á của Pháp, mới đây đăng bài cho rằng Việt Nam đã tạo nhiều ngạc nhiên khi là nước chỉ chịu tác động “nhẹ” của dịch COVID-19. Đâu là lý do Việt Nam thành công chống dịch bệnh, trong khi hệ thống y tế không tốt bằng các nước như Pháp, Anh, Mỹ, phương tiện tài chính lại hạn hẹp so với các nước đã phát triển?

Bao Phap: Viet Nam giu bi quyet thanh cong cua chien luoc chi phi thap hinh anh 1
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại ổ dịch thôn Hạ Lôi. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong bài viết, chuyên gia người Pháp Jean-Raphaël Chaponnière đã ca ngợi Việt Nam là một điển hình thành công của một chiến lược chống dịch “chi phí thấp” và đã nêu lên một số yếu tố được ông cho là bí quyết giúp Việt Nam chống dịch có hiệu quả.

Theo tác giả, quy mô dịch bệnh tại Việt Nam thấp một cách đáng ngạc nhiên khi đất nước có 96 triệu dân này không đầu tư nhiều vào y tế. Ông nêu ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 900 giường bệnh được trang bị các phương tiện điều trị đặc biệt, với tỷ lệ chỉ là 1 giường bệnh cho mỗi 9.000 dân.

Giải thích về quy mô hạn chế của dịch COVID-19 tại Việt Nam, chuyên gia Chaponnière nêu bật vai trò năng động của Chính phủ Việt Nam khi đã lập tức có phản ứng quyết liệt ngay khi có những ca đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Ông cho rằng Việt Nam đã đúc rút được bài học kinh nghiệm từ khi phải ứng phó Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp SARS vào năm 2003, cụ thể là nhanh chóng cách ly tất cả những người nhiễm bệnh, qua đó ngăn chặn được dịch bệnh. Thành công của Việt Nam vào thời điểm đó đã được một bài báo khoa học nêu thành điển hình.

Với dịch COVID-19 hiện nay, ngay khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12/2019 và xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam ngày 23/1, Việt Nam đã quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 1/2, đóng cửa biên giới trên bộ với Trung Quốc và cho học sinh tiếp tục nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo ông Chaponnière, 30 năm chiến tranh (1945-1975) cũng rèn luyện khả năng huy động toàn xã hội Việt Nam. Sinh viên y khoa, bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu đã được nhà nước kêu gọi tham gia chống đại dịch COVID-19.

Trong cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam đã ưu tiên cho một chiến lược “chi phí thấp”, bằng cách truy tìm một cách có hệ thống những ai đã tiếp xúc với bệnh nhân bị phát hiện cho đến lớp thứ 4 (F4) và tiến hành cách ly toàn bộ những người này để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm.

Việt Nam đã có thể dễ dàng thực hiện chiến lược này nhờ vào cách tổ chức và giám sát xã hội, trên nền tảng các tổ dân phố, gồm khoảng 200 dân, đứng đầu là một tổ trưởng. Vai trò của những người này không chỉ là nắm bắt cộng đồng nơi họ sống, cảnh báo về những nguy cơ, còn là khuyên nhủ và làm trung gian hòa giải.

Chuyên gia Chaponnière nhấn mạnh mặc dù là quốc gia có chung đường biên giới hơn 1.000 km với Trung Quốc-nơi khởi phát dịch COVID-19, đồng thời là một trong số những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, nhưng tỷ lệ lây nhiễm ở Việt Nam lại thấp hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Đây là một thành công lớn khi điều kiện tài chính của Việt Nam hạn hẹp hơn nhiều so với các nước phát triển.

(Theo TTXVN)

Bài mới
Đọc nhiều