Latribune: “Với Vinfast, Việt Nam muốn trở thành cường quốc ô tô với tốc độ ánh sáng”
Trang Latribune viết, gần 3 năm sau cuộc khủng hoảng Covid-19, Vịnh Hạ Long đã bình yên trở lại, không còn 3 triệu du khách hàng năm, chỉ có những ngư dân. Để gắn chặt gốc rễ với truyền thống địa phương, chính tại nơi đây tập đoàn Vingroup đã quyết định tổ chức lễ thành lập chi nhánh ô tô mới của mình, đưa Việt Nam vươn ra thế giới.
Máy tạo khói, hệ thống âm thanh, hoạt náo viên và các vũ công, bầu không khí của buổi thành lập chi nhánh mới tương phản với sự yên bình của Vịnh Hạ Long, tại đó Vingroup đã trình diễn màn bắn pháo hoa trước sự chứng kiến của các nhà báo và đối tác từ khắp nơi trên thế giới.
Biết rằng, tập đoàn Vingroup, do Phạm Nhật Vượng thành lập năm 1993 tại Ukraine, đã nhìn thấy những tiềm năng to lớn với việc xây dựng công ty ô tô Vinfast. Sau khi lập kế hoạch, Vingroup đã cho xây dựng một loạt nhà máy, điển hình như nhà máy trị giá 5 tỷ đô la gần thủ đô Hà Nội, một nhà máy ở Bắc Carolina (Hoa Kỳ) với giá 2 tỷ và nhà máy thứ ba được công bố ở Đức.
Hiện tại cho thấy, Vinfast, thương hiệu xe hơi mới thành lập cách đây 4 năm, đang dồn nguồn lực đáng kể để khẳng định mình là nhà sản xuất xe hơi đẳng cấp thế giới như bà Lê Thị Thu Thủy, tổng giám đốc Vinfast khắng định “Chúng tôi muốn nắm bắt cơ hội”, trang Latribune cho biết.
Đội ngũ của Vinfast
Theo Latribune, việc vươn ra thị trường quốc tế không hề đơn giản như vậy, đặc biệt là đối với một công ty không có bất kỳ nguồn lực kỹ thuật nào. Để thiết lập các nhà máy, quy trình công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng, tập đoàn đã đi tìm kiếm các giám đốc điều hành cấp cao ở mọi nơi.
Trong đội ngũ Vingroup, có giám đốc sản xuất Sean Calvert đến trực tiếp từ General Motors, giám đốc thiết kế David Lyon đồng thời có khá nhiều người Pháp trong ban quản lý của công ty bao gồm Franck Euvrard đến từ Faurecia (công ty sản xuất phụ tùng ô tô ở Pháp) có vai trò phụ trách kỹ thuật; Emmanuel Bret, người phụ trách bán hàng và tiếp thị đã từng làm việc cho BMW và Xavier Kaufman, giám đốc trong lĩnh vực chăm sóc và trải nghiệm khách hàng. Đó là chưa kể đến Michael Lohscheller, người được bầu từ Opel vào mùa hè năm ngoái, trở thành ông chủ mới của Vinfast … nhưng ông chỉ nhiệm chức trong 5 tháng vì lý do cá nhân.
Hơn nữa, tập đoàn cũng đã tìm đến rất nhiều các nhà thầu phụ trách kỹ thuật để thiết lập các quy trình, Magna Steyr, nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Áo hay Siemens, hãng thiết bị công nghiệp hàng đầu trên thế giới, có trụ sở tại Đức. Đối với việc thiết kế, studio nổi tiếng của Ý, Pininfarina, đã được kêu gọi. Đồng thời, nhà máy của Vinfast ở Hà Nội đã mua không dưới 1.200 robot từ ABB, nhà sản xuất robot rất tiên tiến của Thụy Điển.
Tất cả đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng thế nào của Vingroup, một công ty Việt Nam đang dần vươn mình ra thế giới để khẳng định vị thế của chính mình, theo Latribune.
Động lực của Vinfast
“Họ học hỏi rất nhanh và không cố gắng áp đặt các quy tắc văn hóa của riêng họ không giống như các quốc gia mới nổi khác”, một giám đốc điều hành người nước ngoài mới được bổ nhiệm nhận xét về Vinfast.
Hiện tại, hóa đơn đã lên tới hơn bảy tỷ đô la và toàn bộ tập đoàn đang được huy động để tài trợ cho dự án này. Việc thành lập Vinfast trước giờ đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời cũng để thực hiện một chính sách công nghiệp mang tính quốc gia thực sự. Với việc tạo ra một dấu ấn quốc gia, ghi tên Việt Nam lên trường quốc tế, Vingroup đã và đang muốn giúp giảm cán cân thương mại của đất nước, tạo ra việc làm và tạo ra giá trị gia tăng bằng cách thu hút các nhà cung cấp thiết bị trên thế giới và vào một ngày nào đó có thể đó sẽ là các nhà sản xuất hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, Latribune nhận định.
Năng lực thiết yếu để đưa Vinfast ra thị trường quốc tế
Nhưng để cạnh tranh, Vinfast phải sản xuất và bán được số lượng lớn vì vậy cách duy nhất là đưa Vinfast ra thị trường nước ngoài. Về việc sản xuất ô tô, nhà máy ở Hà Nội có thể sản xuất ra 250.000 ô tô mỗi năm, con số này có thể lên đến 500.000. Khi so sánh với các hãng sản xuất khác, điển hình như nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu (nhắm đến thị trường 15 triệu ô tô mới, so với 400.000 ô tô tại Việt Nam) thường sản xuất ra khoảng 480.000 ô tô mỗi năm.
Mặc dù chưa biết được năng lực sản xuất dự kiến của Vinfast ở Châu Âu nhưng Vinfast đã là một nhà sản xuất quy mô trung bình tuy chỉ bán được 40.000 xe vào năm ngoái. Ở Việt Nam, nguy cơ dư thừa công suất là có thật do thị trường này sẽ chỉ sản xuất 100% ô tô điện trong nửa cuối năm. Hơn nữa, Vinfast sẽ là nhà sản xuất đầu tiên bán ô tô điện tại đó và do đó sẽ có trách nhiệm truyền giao công nghệ này cho người Việt.
“Các giám đốc điều hành của Vingroup đang phải làm việc rất căng thẳng”, một giám đốc điều hành của một công ty con ở Châu Âu cố gắng giải thích “nghĩa là họ tự đặt ra cho mình những thách thức buộc họ phải vượt ra ngoài”.
Như vậy, trong một năm, họ đã phải lắp đặt không dưới 40.000 trạm sạc trong nước, so với 54.000 trạm ở Pháp trong hơn 5 năm. Tốc độ triển khai dự án của Vinfast là một ưu thế lớn của tập đoàn Việt Nam này, theo Latribune.
Ngoài ra, Vinfast đang đầu tư nguồn lực khổng lồ tương xứng với tham vọng của mình tuy nhiên vẫn cần tìm thêm các nguồn lực khác để tài trợ. Đơn cử như việc Vingroup vừa công bố kế hoạch niêm yết công ty con ô tô của mình trên thị trường New York nhằm mục đích huy động 2 tỷ đô la tiền mặt. Trong khi đó báo tài chính đưa ra mức định giá 60 tỷ đô la.
“Trong số các nhà quản lý phương Tây, chúng tôi nhận ra sự nhanh nhẹn của người Việt Nam, những người không hề giáo điều và chỉ có một mong muốn duy nhất: thành công. Họ có thể điều chỉnh lại kế hoạch chiến lược của mình và thích ứng. Tại Việt Nam, thành công của Vinfast không chỉ là để giải quyết vấn đề về việc làm, mà còn đại diện cho cả chủ quyền và lòng tự hào dân tộc”, trang Latribune nhận định.
Hồng Ngọc (Theo Latribune)