+
Aa
-
like
comment

Bao nhiêu thiết bị y tế bị thổi giá ở Bệnh viện Bạch Mai?

27/09/2020 10:38

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh đối với toàn bộ chương trình liên doanh, liên kết xã hội hóa đã thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai.

Hệ thống robot Rosa được lắp đặt tại Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2017 /// ẢNH: ĐÌNH TRƯỜNG
Hệ thống robot Rosa được lắp đặt tại Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2017

Với việc thổi giá trị máy robot Rosa dùng trong phẫu thuật sọ não lên gấp 4 lần so với giá thực, hàng trăm bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai đã bị “móc túi” với khoản tiền 10 tỉ đồng; nhưng đây chưa phải là thiết bị y tế duy nhất bị thổi giá tại bệnh viện này.

Liên quan vụ án thổi giá thiết bị y tế, lừa đảo bệnh nhân tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), nguồn tin PV cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đang tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh đối với toàn bộ chương trình liên doanh, liên kết xã hội hóa đã thực hiện tại BV này.

Thêm thiết bị robot phẫu thuật bị thổi giá

Theo thông tin ban đầu, từ năm 2007 đến nay, BV Bạch Mai đã triển khai 35 đề án xã hội hóa liên doanh liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các doanh nghiệp và cán bộ, nhân viên BV để lắp đặt máy, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại một số khoa của BV. Đến nay, có 10 đề án đã thanh lý hợp đồng, còn 27 đề án xã hội hóa đang hoạt động.

Trong số này, Công ty CP công nghệ y tế BMS (gọi tắt Công ty BMS) được biết là đối tác quan trọng của BV Bạch Mai với hàng loạt thiết bị đã được lắp đặt tại BV này theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, từ năm 2017, BMS đã triển khai lắp đặt hệ thống robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh tại khoa phẫu thuật thần kinh, sọ não.

Thiết bị này có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp được BMS nhập về với giá khoảng 7,4 tỉ đồng (gồm cả VAT). Tuy nhiên, lãnh đạo BMS đã câu kết với các đơn vị thẩm định giá, nâng khống giá thiết bị lên 39 tỉ đồng rồi đưa vào hợp đồng liên danh, liên kết với BV Bạch Mai. Nếu theo giá thực, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh khoảng hơn 4 triệu đồng, nhưng với giá khống thì số tiền thu thực tế của bệnh nhân lên tới 23 triệu đồng/ca. Trong các năm 2017 – 2019, BV Bạch Mai đã thanh toán tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch các đối tượng chiếm đoạt, hưởng lợi khoảng hơn 10 tỉ đồng.

Theo nguồn tin PV, ngoài robot Rosa, từ năm 2017, BMS còn thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết với BV Bạch Mai qua việc lắp đặt robot hỗ trợ Mako trong phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối tại khoa chấn thương chỉnh hình và cột sống. Theo hợp đồng, tổng giá trị đầu tư thiết bị robot Mako là 44 tỉ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn. Thời hạn liên kết là 7 năm (đến năm 2024), sau khi trừ thuế thu nhập và các chi phí chung, công ty được chia lợi nhuận 50% và BV hưởng 50%. Tuy nhiên, thiết bị này khi nhập về qua khai báo hải quan chỉ có giá hơn 23 tỉ đồng. Theo ước tính trong năm 2017 – 2018, BV Bạch Mai và BMS đã thu lãi từ thiết bị này hàng trăm triệu đồng chia nhau.

Động cơ cá nhân

Như đã phản ánh, ngày 25.9, C03 bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó giám đốc; và Trịnh Thị Thuận, Kế toán trưởng – Trưởng phòng Tài chính kế toán (BV Bạch Mai), để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, là do phát hiện các sai phạm có liên quan đến đề án liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh giữa BV Bạch Mai và Công ty BMS.

Trước đó, ngày 31.8, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS; Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với các bị can là lãnh đạo BV Bạch Mai, bước đầu cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ 2009 – 2019, ông Nguyễn Quốc Anh với cương vị là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BV Bạch Mai, đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện các đề án xã hội hóa, có nhiều dấu hiệu sai phạm trong điều hành, quản lý, vì động cơ cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ và pháp luật, gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản của nhiều người bệnh và tiền của bảo hiểm y tế.

Trong quá trình triển khai, BV Bạch Mai xảy ra nhiều sai sót về quy trình, thủ tục. Điển hình là việc ban hành chủ trương liên doanh, liên kết không có văn bản thống nhất giữa Ban giám đốc, Đảng ủy và tổ chức công đoàn; không tổ chức lựa chọn đối tác liên kết theo quy định; chủng loại thiết bị, hình thức liên kết; đề án chưa được cơ quan quản lý Bộ Y tế phê duyệt; vi phạm nguyên tắc xác định giá trị tài sản dùng để liên doanh, liên kết; xác định nguyên giá tài sản cố định và khấu hao…, dẫn tới các công ty nâng giá thiết bị đưa vào liên doanh liên kết gây thiệt hại cho người bệnh và quỹ bảo hiểm y tế.

Các khoa thu về hàng trăm tỉ đồng

Căn cứ vào kết quả xác minh cũng cho thấy, đã có từ 2 – 7% doanh thu của các hệ thống máy trong các đề án liên doanh liên kết tại BV Bạch Mai đã được chuyển về các khoa thụ hưởng. Chỉ tính 25 đề án triển khai thì các khoa thuộc BV Bạch Mai đã thu được khoảng 209 tỉ đồng.

Riêng khoa chẩn đoán hình ảnh được nhận 134,4 tỉ đồng. Số tiền thu trên sau khi BV trích về các khoa đã chi cho nhân viên và các lãnh đạo khoa, lãnh đạo của BV; trong đó có một số cá nhân là lãnh đạo các khoa đã được chia số tiền hơn 5 tỉ đồng, đây được xác định là hành vi mang tính vụ lợi.

Theo TNO

Bài mới
Đọc nhiều