Báo Nga: “Việt Nam và bản chất mới của nền kinh tế thế giới”
Trang RIAFAN của Nga vừa có bài viết với tiêu đề “Вьетнам и новый характер мировой экономики” (Việt Nam và bản chất mới của nền kinh tế thế giới) để nói về vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, bởi uy tín, trách nhiệm và cả sự phát triển vượt trội của nền kinh tế.
Mở đầu bài viết, trang RIAFAN đã đưa ra nhận định rằng, ngay sau Đại hội Đảng XIII, Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vị thế của mình, thông qua những sáng kiến quan trọng đối với toàn thế giới. Đặc biệt, các nhà quan sát Nga đã cùng nhau đánh giá các đề xuất liên quan vô cùng có ý nghĩa liên quan đến vấn đề an ninh toàn cầu trên biển, vì ở nhiều khía cạnh, chúng cũng áp dụng được cho Nga.
Về mối quan hệ ngoại giao và kinh tế, trang RIAFAN cho rằng Nga vô cùng coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Trong 20 năm qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga đã đạt được những kết quả ấn tượng. Trong số đó, đối thoại chính trị cấp cao và chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất của hai nước được duy trì.
Đặc biệt hơn, sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào giữa tháng 9, đã đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong điều kiện địa chính trị hiện đại, đặc biệt nhất là khi có sự tham gia của Việt Nam về cơ bản mở rộng biên giới của Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Trang RIAFAN nhấn mạnh, giờ đây Việt Nam đã trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên mở khu thương mại tự do với EAEU, và hiện các đại diện khác của Đông Nam Á sẽ tiếp bước đi theo con đường này.
Không chỉ trong mối quan hệ của Nga, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng, được thể hiện qua những đóng góp có trách nhiệm trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đặc biệt là những hoạt động tích cực và hiệu quả của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 mới đây, trang RIANFAN cho biết.
Theo đó, những đề xuất mới với thế giới và với mục tiêu củng cố hơn nữa chính sách đối ngoại của Việt Nam đang từng bước chiếm vị thế ngày càng cao trong các vấn đề quốc tế. Hiện Việt Nam không chỉ là nước đứng đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà còn được đánh giá cao với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, chứng tỏ trách nhiệm vô điều kiện với cách tiếp cận của Việt Nam trong các vấn đề quan trọng và khó khăn nhất của trật tự thế giới.
Theo RIANFAN, một trong những vấn đề đang được cả thế giới quan tâm đã được nêu lên trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Việt Nam tại LHQ – cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 là lời cảnh báo khẩn cấp về hậu quả tàn khốc của các vấn đề an ninh bất thường như dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch, đồng thời đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng nhằm sớm chiến thắng đại dịch như gỡ bỏ rào cản đối với quá trình phân phối vaccine, trong đó ưu tiên cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp; thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại để khôi phục nền kinh tế thế giới; đẩy nhanh chuyển đổi số và sử dụng công nghệ “xanh”; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế…
Trang RIANFAN khẳng định, tất cả các phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại ĐHĐ LHQ đều thể hiện rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là thượng tôn luật pháp quốc tế. Bất kỳ “nút thắt” chính trị nào, dù là phức tạp nhất cũng có thể giải quyết bằng biện pháp ngoại giao hoà bình, trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế. Và đây cũng là cách tiếp cận của Liên bang Nga đối với một loạt điểm nóng trên thế giới.
Việt Nam còn là một trong những nền kinh tế đang phát triển năng động nhất ở châu Á – Thái Bình Dương, được các cường quốc hàng đầu thế giới chú trọng. Kinh tế Việt Nam đang phát triển ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, do đó, chắc chắn sau đại dịch, nền kinh tế sẽ như một chiếc lò xo bật lên một tầm cao mới, trang RIANFAN nhận định.
Cũng trong chương trình làm việc tại ĐHĐ LHQ, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc còn có thêm hai bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận về an ninh khí hậu và Hội nghị các hệ thống lương thực.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phối hợp giữa các quốc gia, các đối tác, nhân tố trong hệ thống lương thực, thực phẩm phải vì lợi ích của người dân. Để phát triển bền vững hệ thống lương thực, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; Quản lý bền vững các nguồn tài nguyên đất nước, đa dạng sinh học và rừng; Quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển.
Kết thúc bài viết, trang RIANFAN khẳng định tất cả những yếu tố trên đã chứng minh một Việt Nam có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của thế giới, dựa trên ba trụ cột chính là kinh tế – xã hội – môi trường.
Các sáng kiến được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu lên tại Liên hợp quốc lần này có thể sẽ trở thành chủ đề nghiên cứu cho giới chuyên gia Nga, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước trong thời đại mới.
Bảo Trâm (Theo RIANFAN)