+
Aa
-
like
comment

Báo Nga: Việt Nam muốn mua thêm tiêm kích Su-30 và một loại máy bay mới của Nga – Tin vui lớn

08/09/2021 14:08

Interfax dẫn tuyên bố của ông Dmitry Shugaev, GĐ Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự (FSMTC) cho biết Việt Nam quan tâm tới việc mua tiêm tiêm kích Su-30.

Báo Nga: Việt Nam muốn mua thêm tiêm kích Su-30 và một loại máy bay mới của Nga - Tin vui lớn

LIÊN TIẾP TIN VUI: VIỆT NAM QUAN TÂM MUA NHIỀU VŨ KHÍ MỚI CỦA NGA

Theo đó, ông Dmitry Shugaev – Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự (FSMTC) thông báo với các phóng viên hôm 04/09/2021 rằng bên cạnh máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phản lực Yak-130, Việt Nam còn quan tâm tới việc mua sắm thêm các máy bay tiêm kích đa năng Su-30.

Các thông tin mà ông Dmitry Shugaev chia sẻ có những điểm đáng chú ý là việc bàn giao các máy bay Yak-130 cho Việt Nam sẽ được hoàn tất ngay trong năm 2021 này. Cụ thể:

“Kế hoạch của chúng tôi là hoàn thành hợp đồng cung cấp các máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phản lực Yak-130 cho đối tác Việt Nam vào trước cuối năm nay”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng trong tương lai gần, theo kế hoạch, Nga sẽ nối lại các cuộc đàm phán với Hà Nội về các vũ khí trang bị không quân khác.

Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự (FSMTC) khẳng định:

“Bên cạnh máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện Yak-130, Việt Nam cũng quan tâm tới việc mua sắm tiêm kích đa năng Su-30 và máy bay huấn luyện sơ cấp Yak-152”.

Theo truyền thông Nga, năm 2019, Việt Nam và Nga đã ký một hợp đồng cung cấp ít nhất 12 chiếc máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phản lực Yak-130 trị giá khoảng hơn 350 triệu USD.

Trước đó, vào tháng 9/2019, Tổng giám đốc Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport, Alexander Mikheev, cho biết Việt Nam là một trong số những khách hàng lớn nhất của Nga về vũ khí, và hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các loại vũ khí, từ hải quân, phòng không – không quân cho tới lục quân.

Theo thống kê của Interfax, Việt Nam đã mua từ Nga 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard, 6 tàu ngầm Kilo-636 Varshavyanka, 12 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya (trong đó 2 chiếc đóng ở Nga, bàn giao nguyên chiếc và 10 chiếc khác đóng tại Việt Nam theo giấy phép chuyển giao công nghệ.

Báo Nga: Việt Nam muốn mua thêm tiêm kích Su-30 và một loại máy bay mới của Nga - Tin vui lớn - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-30SM do Nga chế tạo

Việt Nam cũng đã mua của Nga một số tổ hợp tên lửa bờ K-300P Bastion-P trang bị tên lửa diệt hạm Yakhont tối tân cũng như 2 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 tầm xa, 36 tiêm kích Su-30MK2, tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) Igla cùng nhiều loại vũ khí khác.

CÁC LOẠI MÁY BAY MỚI VIỆT NAM ĐÃ VÀ SẼ MUA CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Yak-130 là loại máy bay đa năng, vừa có thể làm nhiệm vụ tiêm kích, cường kích nhẹ, vừa dùng để huấn luyện phi công chiến đấu phản lực cao cấp. Nó có thể mang được các loại vũ khí không đối không, không đối đất có điều khiển.

Hiện Yak-130 được Không quân Nga coi là loại máy bay xương sống của các trường đào tạo phi công chiến đấu và sau đó là chuyển loại lên những dòng tiêm kích đời cao hơn như MiG-29, MiG-35, Su-30, Su-34, Su-35,… và cả tiêm kích tàng hình Su-57 tối tân nữa.

Yak-130 có thể đảm nhiệm tới 80% khoa mục huấn luyện của phi công tiêm kích trên các máy bay chiến đấu phản lực siêu âm và nó chính là một bản sao của các máy bay chiến đấu thế hệ 4 và thế hệ 5 do Nga chế tạo.

Su-30 là tiêm kích đa năng với nhiều phiên bản khác nhau tùy theo yêu cầu của mỗi khách hàng. Hiện Không quân và Không quân Hải quân Nga sử dụng số lượng lớn Su-30SM và vẫn đang đặt mua thêm.

Báo Nga: Việt Nam muốn mua thêm tiêm kích Su-30 và một loại máy bay mới của Nga - Tin vui lớn - Ảnh 3.
Máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phản lực Yak-130 do Nga chế tạo.

Cùng với tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-35S, Su-30 là nòng cốt của Lực lượng Không quân – Vũ trụ Nga trong vài chục năm tới, trước khi các dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 như Su-57 và Su-75 Checkmate hoặc thế hệ 6 mới hơn được trang bị với số lượng đủ lớn.

Yak-152 là dòng máy bay huấn luyện mới rất phù hợp để thay thế cho những chiếc Yak-52 đã tương đối cũ của Trường Sĩ quan Không quân.

Nhằm đáp ứng nhu cầu về một loại máy bay sơ cấp hiện đại và hoạt động bền bỉ để thay thế cho những chiếc máy bay Yak-52 vốn đã luống tuổi, Nga đã phát triển thành công Yak-152 mới, bay thử chuyến bay đầu tiên vào năm 2016.

Đây là một loại máy bay chuyên dùng cho huấn luyện sơ cấp cực hiện đại với thiết kế để tối ưu hóa tính năng cho hoạt động huấn luyện. Yak-152 đã đáp ứng được tất cả yêu cầu khắt khe của Không quân Nga bởi dòng máy bay này được thiết kế với loại động cơ tối ưu nhất.

Ngoài ra đây cũng là một trong số những mấu máy bay huấn luyện cỡ nhỏ được lắp đặt ghế phóng dành cho phi công.

Hiện Nga đã đặt mua 150 chiếc Yak-152. Điều này sẽ mở đường cho các nước đang sở hữu loại máy bay huấn luyện sơ cấp Yak-52 chuyển loại sang Yak-152 hiện đại và tin cậy hơn.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tuấn Sơn

Bài mới
Đọc nhiều