+
Aa
-
like
comment

Báo Nga: Nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên, Văn Miếu cũng có thể chìm trong biển nước!

Bảo Trâm - 19/10/2021 08:02

Trang Sputnik của Nga vừa có bài viết nói về tình trạng biến đổi khí hậu vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán và ngập mặn.

Theo đó, tại Việt Nam trong suốt 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.

Trên toàn cầu, trong hơn 100 năm qua, phát thải khí nhà kính do các hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ không khí tăng 1,2 độ C. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến băng tan, kéo theo mực nước các đại dương dâng cao. Theo nghiên cứu mới nhất của Climate Central, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận, chỉ ra trong kịch bản kém lạc quan, khi lượng khí thải tiếp tục tăng cao hơn năm 2050, Trái Đất sẽ đạt tới ngưỡng 3 độ C vào năm 2060 – 2070. Các đại dương sẽ tiếp tục dâng lên trong nhiều thập kỷ sau đó.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), mực nước biển thế giới đã tăng 15cm trong thế kỷ 20. Hiện nay, mực nước biển đang tăng nhanh gấp đôi – 3,6mm mỗi năm. Đồng thời, điều này cũng gây ra mối đe dọa rất lớn đối với các quốc gia ven biển, trong số đó có Việt Nam.

Chia sẻ với Sputnik, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp, khoa Môi trường, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lưu ý: “Cần phân biệt biến đổi khí hậu và biến động khí hậu. Biến đổi khí hậu là những thay đổi theo xu thế của khí hậu trong thời gian tương đối dài, còn biến động khí hậu là những thay đổi của khí hậu từ năm này qua năm khác. Biến động khí hậu có thể được thể hiện bằng những sự biến động của nhiệt độ mùa đông, mùa hè, cường độ mưa, số lượng và cường độ các cơn bão, thời gian bão”.

Ngay từ đầu tháng 10/2021, hai cơn bão số 7 và số 8 với cường độ mạnh đổ bộ vào miền Bắc Trung Bộ và Trung Bộ Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân vốn đã chịu nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp, khoa Môi trường, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nói với Sputnik: “Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi cả về số lượng các cơn bão, cường độ các cơn bão cũng như thời gian xuất hiện bão. Cụ thể, tại khu vực Bắc Bán Cầu thuộc Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu có xu thế làm số lượng chung của các cơn bão giảm đi, trong khi số lượng các cơn bão mạnh lại tăng lên và thời gian xuất hiện các cơn bão cũng thay đổi. Trước đây, rất ít cơn bão xuất hiện sau mùa bão, từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có xu thế nhiều cơn bão xuất hiện vào dịp cuối năm, sau mùa bão”.

Bão liên tiếp tại Việt Nam do đâu?

Bão số 7 vừa dứt, cơn bão số 8 mang tên Kompasu đã kịp đổ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Bộ Việt Nam. Người dân Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đang gồng mình chống bão trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Về nguyên nhân gây ra các cơn bão liên tục trong thời gian gần đây tại Việt Nam, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp, khoa Môi trường, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Như vậy, các cơn bão xuất hiện liên tục vào tháng 10/2021 có thể là có nguyên nhân cả của biến động khí hậu và biến đổi khí hậu. Tôi cho rằng những bất thường về thời tiết gây ra do biến đổi khí hậu sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Loài người, đặc biệt là các nước phát triển, đã xả thải khí nhà kính vào khí quyển hàng trăm năm nay. Cho dù phải hành động để giảm thiểu phát thải khí nhà kính ngay bây giờ, tác động của biến đổi khí hậu vẫn sẽ kéo dài hàng trăm năm nữa”.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, để giảm thiểu thiệt hại, chúng ta cần phải chuẩn bị tốt, xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. “Đặc biệt, chúng ta cần thực hiện các giải pháp thuộc dạng “không hối tiếc”, tức là những giải pháp có lợi và cần phải làm ngay cả khi biến đổi khí hậu không xảy ra. Ví dụ của các giải pháp này là đánh giá rủi ro ngập lụt, trượt lở đất tại miền Trung và di dời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao về lũ lụt, sạt lở đất; xây dựng và tổ chức thực hiện các kịch bản sơ tán dân tránh lũ, các cơ sở tránh lũ cộng đồng; và hỗ trợ xây nhà tránh lũ cho người dân” – PGS. TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.

Bảo Vân (Theo Sputnik)

Bài mới
Đọc nhiều