+
Aa
-
like
comment

Báo Nga: Kỳ tích tăng trưởng kinh tế Việt Nam khiến nhiều nước phải “lo sợ”

Trần Anh - 20/03/2021 15:53

Việt Nam đã thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử hiện đại và tạo nên kỳ tích tăng trưởng kinh tế, GDP khiến chính các nước láng giềng phải “ghen tị”.

Tờ Sputnik của Nga đã nhấn mạnh như vậy trong bài báo đăng tải mới đây với tiêu đề Câu chuyện thành công của Việt Nam khiến nhiều nước phải “lo sợ” như thế nào?

“Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy bản lĩnh và sức mạnh quốc gia, dân tộc khi thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử hiện đại và tạo nên kỳ tích tăng trưởng kinh tế, GDP khiến chính các nước láng giềng  phải “ghen tị”” – Sputnik bình luận.

Bài viết cũng phân tích những yếu tố tạo nên câu chuyện thành công của Việt Nam và khẳng định: Thành công của Việt Nam không xuất phát từ yếu tố may mắn, không phải từ “trên trời rơi xuống” mà nhờ Chính phủ nhanh chóng thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 một cách quyết liệt ngay từ đầu.

Việt Nam đã thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử hiện đại.
Việt Nam đã thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử hiện đại.

Hồi đầu năm nay, tờ Le Figaro của Pháp cũng đưa ra đánh giá rằng “Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020. Việt Nam duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,9% trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu”.

Cần phải nhắc lại rằng, kết thúc năm 2020, Tổng cục Thống kê nêu rõ con số tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 2,91% – thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

Cơ quan thống kê chỉ ra rằng, kết quả tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù dịch bệnh kéo dài nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng khá với 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Năm 2020, Việt Nam xuất siêu đạt mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, đây là mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019.

Có thể nói, năm 2020, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới kiệt quệ vì Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương là sự ghi điểm ấn tượng. Điều này từng được nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới đưa ra nhận định ngay từ tháng 10 và tháng 12/2020.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 2/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong bối cảnh Covid-19 bùng phát làn sóng mới ở Việt Nam, nhưng tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục có những dấu hiệu đáng mừng trong 2 tháng đầu năm.

Theo đó, nông nghiệp được mùa, được giá. Đặc biệt, xuất nhập khẩu trong 2 tháng đạt gần 96 tỷ USD, tăng gần 25%, trong đó xuất khẩu tăng hơn 23%. Xuất siêu 1,3 tỷ USD. Tình hình doanh nghiệp cũng có một số dấu hiệu tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4%, số vốn đăng ký tăng tăng hơn 52%.

Các chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 ghi nhận: Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước…

Dự báo, dịch Covid-19 sẽ vẫn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm chủng vắc xin được phổ biến rộng rãi. Do vậy, Chính phủ Việt Nam thống nhất duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Châu Như Quỳnh/DT

Bài mới
Đọc nhiều