Báo Mỹ: Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn với năng lượng tái tạo!
Trang McKinsey thuộc McKinsey & Company của Mỹ đã có bài viết nói về những cơ hội và tiềm năng trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Qua đó cũng đưa ra nhận định Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn, phát triển vượt trội hơn với năng lượng tái tạo.
Theo McKinsey, cam kết của Việt Nam trong việc tăng công suất năng lượng sử dụng các nguồn tái tạo và các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi có thể tạo ra cơ hội quý giá cho các nhà đầu tư và phát triển điện gió.
Để theo đuổi mức độ tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu bền vững, Việt Nam đã và đang tích cực làm việc để mở rộng năng lực năng lượng, với cam kết về các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là một kỳ tích không hề nhỏ ở một quốc gia nơi than đá cung cấp phần lớn năng lượng phát điện, các nguồn thủy điện về cơ bản đã bị khai thác hết và nhu cầu năng lượng đang tăng gần 10% mỗi năm, theo McKinsey.
Trang McKinsey cũng đưa ra nhận định rằng tại Việt Nam, năng lượng tái tạo có tiềm năng trở thành lựa chọn chi phí thấp nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước trong tương lai.
Theo đó, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng năng lực sản xuất năng lượng tái tạo. Phần lớn sự mở rộng đó cho đến nay đến từ việc lắp đặt năng lượng mặt trời (PV), một phần lớn là do đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, ngày nay than vẫn chiếm thị phần chi phối trong hỗn hợp năng lượng, chiếm hơn 50% công suất được bổ sung kể từ năm 2018, điều này đã góp phần gây ra chất lượng không khí kém dai dẳng.
Tuy nhiên đến đầu năm 2021, Bộ Công Thương Việt Nam đã công bố dự thảo kế hoạch phát triển điện lực quốc gia lần thứ tám (PDP8) cho giai đoạn 2021–30, trong đó có tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch này bao gồm các mục tiêu cao hơn về công suất năng lượng tái tạo — với giới hạn trên 18,6 gigawatt năng lượng mặt trời và 18,0 gigawatt gió vào năm 2030 — cũng như tỷ trọng của tổng công suất năng lượng thu được từ năng lượng tái tạo.
Theo McKinsey, từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW được đặt ra cho năm 2020 và thậm chí là đang tiến gần đến mục tiêu được đặt ra cho năm 2030 là 18.600 MW.
Từ đó cho thấy, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để trở thành cường quốc năng lượng tái tạo với điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối.
Để đạt được những mục tiêu về năng lượng tái tạo dài hạn trong tương lai, Đức và Việt Nam đã tích cực tăng cường hợp tác về năng lượng tái tạo. Với thỏa thuận đã ký kết, GICON và VPI sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác phù hợp với các tiềm năng, điều kiện của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.
Cần nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thế giới đứng trước giai đoạn chuyển dịch năng lượng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để trở thành cường quốc năng lượng tái tạo với điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối, theo McKinsey.
Bất chấp những thách thức này, thị trường Việt Nam có những yếu tố thuận lợi để các nhà đầu tư và nhà phát triển điện gió có thể tìm được nhiều cơ hội lớn. Bên cạnh tiềm năng tự nhiên cho điện gió, Chính phủ cũng đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển điện gió. Đơn cử, việc ban hành biểu giá bán điện năng (FiT) cho các dự án điện gió từ năm 2021 đến cuối năm 2023 cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính cho các dự án điện gió để có thể nghiệm thu đưa vào vận hành trước thời hạn mới, trang McKinsey phân tích.
Hơn nữa, sự thành công của đầu tư FDI và đầu tư tư nhân vào các dự án điện mặt trời cho đến nay đã chứng tỏ khả năng tài chính của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Làn sóng đầu tư tiếp theo vào năng lượng tái tạo có thể sẽ thu hút các dự án với quy mô lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, sẽ cung cấp công suất phát điện lớn hơn so với các dự án năng lượng mặt trời hoặc điện gió trên đất liền.
Các dự án điện gió ngoài khơi lớn, nếu thành công, sẽ trở thành một nguồn năng lượng tái tạo có khả năng nhân rộng hơn nữa cho Việt Nam, McKinsey nhận định.
Bảo Trâm (Theo McKinsey)