+
Aa
-
like
comment

Báo Mỹ: Việt Nam – đối tác chiến lược vô cùng quan trọng với Mỹ hậu đại dịch

Bảo Trâm - 30/01/2022 12:02

Mới đây, trang Geopoliticalmonitor.com của Mỹ vừa đăng tải bài viết phân tích của chuyên gia James Borton, thành viên cấp cao tại Viện chính sách đối ngoại thuộc Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp Johns Hopkins, nhận định về triển vọng lạc quan trong quan hệ thương mại Việt-Mỹ hậu đại dịch Covid-19.

Các chuyên gia kinh tế và chuyên gia y tế đã bắt đầu “nhen nhóm” lạc quan rằng, đại dịch có thể “rút lui” trong năm 2022 khi các các nước tiếp tục triển khai tiêm chủng. Đây là chỉ dấu tốt cho quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam kể từ khi đại dịch ập đến làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất và dòng chảy thương mại giữa những cựu thù và nay là đối tác toàn diện.

Theo Geopolitical Monitor, 98 triệu dân Việt Nam liên tục nhận được các lợi ích từ xu hướng toàn cầu hóa. Suốt ba thập kỷ qua, thông qua cải cách kinh tế và hội nhập với thị trường thế giới, Việt Nam đã chuyển từ một trong những quốc gia nghèo nhất sang nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ.

Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề cho bước nhảy vọt này. Thành tựu kinh tế của Việt Nam một phần cũng nhờ số lượng việc làm tạo ra từ thị trường xuất khẩu đang bùng nổ, đặc biệt là với Mỹ.

Đầu tư của Mỹ cũng giúp thúc đẩy động lực kinh tế của đất nước khi Việt Nam lần đầu tiên mở cửa thị trường lao động giá rẻ cho các nhà đầu tư. Trong thập kỷ qua, Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất lớn ở châu Á và nằm trong danh sách 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, theo Geopolitical Monitor.

Hơn nữa, Việt Nam được công nhận rộng rãi là nước xuất khẩu hàng điện tử và may mặc lớn. Với các yếu tố như công nhân có tay nghề cao và chi phí thấp, cơ sở hạ tầng tốt, chính phủ ổn định, chính sách ưu đãi về thuế.

Việt Nam hội đủ những gì mà các công ty đa quốc gia của Mỹ tìm kiếm để đặt địa điểm cho các nhà máy. Theo cơ sở dữ liệu COMTRADE của Liên hợp quốc về thương mại quốc tế, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tổng trị giá 77,07 tỷ USD trong năm 2020, trong đó, mặt hàng điện thoại di động đạt 18 tỷ USD và vi mạch tích hợp đạt 15,5 tỷ USD.

Theo Geopolitical Monitor, việc mở rộng thương mại song phương dẫn đến sự gia tăng lớn trong thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Mức thâm hụt tăng lên 56,6 tỷ USD vào năm 2020, trong khi một thập kỷ trước đó, con số này chỉ là 9,4 tỷ USD.

Trước đó, vào năm 2020, Mỹ cáo buộc Việt Nam có các hành vi thương mại không công bằng, trong đó có cáo buộc thao túng tiền tệ. Đến mùa Hè năm 2021, Washington xác định không áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cam kết với Bộ Tài chính Mỹ không thao túng tiền tệ để giành lợi thế xuất khẩu.

Trích dẫn ý kiến của ông Michael Martin, chuyên gia về chính sách thương mại, kinh tế châu Á hiện là thành viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận thấy các cơ hội để cải thiện quan hệ thương mại: “Tôi nhận thấy điểm chung trong việc phát triển khuôn khổ quan hệ thương mại giữa hai quốc gia và trong khu vực, nhằm đưa thương mại quốc tế vượt ra ngoài Hệ thống Bretton-Woods cổ điển trong khi thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cho dù điều đó được thực hiện thông qua một hiệp định thương mại song phương hay một hiệp định khu vực, hiện trạng dường như không ổn định”.

Theo Geopolitical Monitor, một báo cáo của CSIS xác nhận rằng, Việt Nam được hưởng lợi và đạt mức tăng xuất khẩu mới là 6% trong thời kỳ suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, trong khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì những thách thức vẫn còn đó.

Việt Nam đã phải vật lộn để giải quyết tình trạng “đóng băng” kéo dài của các trung tâm kinh tế lớn. Theo số liệu của Mỹ, thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt khi tác động của CPTPP và RCEP làm thay đổi dòng chảy thương mại trong khu vực. Hiệp định thương mại song phương (BTA) yêu cầu cập nhật và quá trình đó sẽ phục vụ cho việc giải quyết các vấn đề song phương còn tồn tại.

Ngoài ra, còn có lựa chọn khởi động một sáng kiến song phương mới bằng cách củng cố Hiệp định khung về Đầu tư thương mại năm 2007 (TIFA) nhằm thiết lập các mục tiêu chung và kích thích sự tham gia thương mại hơn nữa.

Về mối quan hệ kinh tế và an ninh, Việt Nam sẵn sàng nâng cao vị thế với Washington. Các vấn đề phức tạp trong tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực đang mang lại những triển vọng mới cho việc mở rộng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ.

Bảo Trâm (Theo Geopolitical Monitor)

Bài mới
Đọc nhiều