+
Aa
-
like
comment

Báo Mỹ: Vì sao Việt Nam luôn là thị trường đầu tư tiềm năng hơn Trung Quốc?

Lan Hoa - 02/07/2022 13:55

Mới đây, Load Star đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Chuyên gia công nghệ nhận thấy tiềm năng đầu tư vào Việt Nam cao hơn trung Quốc. Trong đó nêu rõ Việt Nam chính là “ứng cử viên nặng ký” thay thế Trung Quốc đón làn sóng FDI trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung còn kéo dài. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á. 

Theo Load Star, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trích dẫn báo cáo về thu hút FDI năm 2021 của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp quốc đánh giá, Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.

Ngoài ra, số liệu thống kê tại Việt Nam cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,71 tỷ USD. Tính tới ngày 20/5/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất trong 5 năm qua.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm.

Dễ dàng nhận thấy, xu hướng gia tăng vốn, mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã và đang thể hiện rõ nét. Việt Nam nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với sự góp mặt của một số tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực chế tạo công nghệ cao như Samsung, Foxconn, LG, LEGO,… Các chuyên gia nhận định, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất quan trọng hàng đầu, mà còn là địa điểm chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, theo Load Star.

Nhà máy LEGO đầu tiên tại Việt Nam sẽ chính thức được khởi công trong năm 2022

Vậy đâu là những lý do Việt Nam có sức hút đầu tư cao hơn so với Trung Quốc?

Theo Load Star, Trung Quốc ngày nay dường như không còn là lựa chọn đầu tư sản xuất hàng đầu như giai đoạn trước năm 2021 và điều này đang tạo cơ hội cho sự phát triển sản xuất ở các nước Đông Nam Á, đáng chú ý nhất là Việt Nam và Indonesia.

Trong bối cảnh đó, Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nếu không có dịch Covid-19 xu hướng dịch chuyển sản xuất này vẫn sẽ diễn ra. Sự thay đổi này có thể được lý giải bởi những yếu tố sau:

Nhân công giá rẻ, tay nghề cao là lợi thế thu hút đầu tư tại Việt Nam

Chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc.

Tiền lương sản xuất ở Trung Quốc đã tăng từ 2,0 USD/giờ trong năm 2010 lên 3,9 USD/giờ trong năm 2021. Mức lương này là khá cao khi so sánh với tiền lương sản xuất trung bình ở Việt Nam, chỉ gần 1 – 1,4 USD/giờ. Chi phí sử dụng bất động sản công nghiệp tại Trung Quốc cũng tăng mạnh sau quá trình phát triển liên tục của nền kinh tế và mức sống dân cư.

Các thành phố lớn như Thượng Hải ghi nhận giá đất công nghiệp tăng lên mức 180 USD/m2, cao hơn so với các thành phố Đông Nam Á khác, trong khi Việt Nam đang có mức giá đất tương đối cạnh tranh, chỉ ở mức 100 – 140 USD/m2. Như một hệ quả tất yếu, các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những địa điểm đầu tư tiết kiệm chi phí hơn sẽ xem Việt Nam là một lựa chọn thay thế trong nỗ lực cắt giảm chi phí.

Việt Nam đang phát triển mạnh thị trường logistics và cơ sở hạ tầng.

Sự tăng tưởng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao và sự lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử ngày nay sẽ là nguồn cầu mạnh mẽ thúc đẩy thị trường logistics của Việt Nam phát triển. Trong thời gian qua, Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp logistics.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và chúc Tết công nhân đang thi công cao tốc Vân Đồn-Móng Cái sáng ngày 26/1/2022

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều chính sách nhằm tăng cường sức đề kháng cho nền kinh tế, nâng cao năng lực ứng phó sau khi dịch bệnh kéo dài, tạo tiềm lực để phục hồi nền kinh tế nhanh chóng đã được Chính phủ Việt Nam nêu ra. Những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI như giảm giá bán lẻ điện; hỗ trợ vốn; gia hạn nộp thuế… đã nhanh chóng được triển khai. Điều đó tạo nên sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp FDI đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và ghi điểm đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định đầu tư vào nước ta.

Việt Nam hiện là thành viên của rất nhiều Hiệp định thương mại tự do có ảnh hưởng lớn trên thế giới

Sự ổn định của kinh tế vĩ mô và các hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Trong những năm qua bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam luôn ổn định và tươi sáng. Năm 2021, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 2,91% giảm so với các năm trước đây nhưng là một trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế dương. Mặt khác, Việt Nam hiện đang rất tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa nước ta và các đối tác, dỡ bỏ các rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Như vậy, sự ổn định của kinh tế vĩ mô và việc Việt Nam tham gia nhiều FTA đã mở ra cơ hội mới để thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI.

Thu hút FDI cũng giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững

Chủ trương và chính sách mới của Việt Nam về thu hút FDI.

Việt Nam luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của vốn FDI đối với quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế tại Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động lớn, để tạo cơ sở pháp lý thu hút nhiều hơn nữa FDI, Việt Nam đã đề ra chủ trương, chính sách mới. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đầu tư hứa hẹn những dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong tương lai ngày càng lớn hơn.

Lan Hoa (Theo Load Star)

Bài mới
Đọc nhiều