+
Aa
-
like
comment

Báo Mỹ: UKVFTA, “đòn bẩy” đưa mối quan hệ thương mại Việt Nam – Anh thăng hạng bất chấp Covid-19

Bảo Trâm - 11/01/2022 08:31

Trang Fox 24 của Mỹ vừa có bài viết nhận định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đi vào thực thi chính là “đòn bẩy” để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh tăng mạnh trong năm 2021, bất chấp những khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Theo Fox 24, đúng như mục tiêu khi đàm phán UKVFTA là bảo đảm thương mại song phương không gián đoạn khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), sau một năm thực thi FTA này, thương mại Việt – Anh được duy trì ở mức cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn thương mại toàn cầu.

Trích theo số liệu của hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Anh đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam thặng dư thương mại 4,46 tỷ USD. Ước cả năm, thương mại giữa hai nước khoảng 6,7 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2020, thặng dư thương mại gần 5,7 tỷ USD.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh (kiêm nhiệm Ireland) chia sẻ trên Fox 24 rằng: “UKVFTA đảm bảo giao thương giữa hai nước không bị gián đoạn và duy trì đà phục hồi xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 trước nhiều tác động tiêu cực của đại dịch”.

Được biết, mặc dù tình hình kinh tế 2021 bị khủng hoảng khá nhiều do biến thể Delta, nhưng số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vẫn ghi nhận những con số vô cùng tích cực, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt.

Theo đó, các mặt hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng gồm sắt thép (1.183%); cao su (82,3%); nông sản (70,8%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%); hạt tiêu (48%); phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%); gốm sứ (35,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%).

Theo Fox 24, xuất khẩu sang Anh tăng nhờ đòn bẩy UKVFTA, nhưng do giá trị tuyệt đối trong giao dịch thương mại chưa đến 7 tỷ USD/năm, nên trị giá trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh còn thấp và có khoảng cách khá xa với các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các quốc gia thuộc EU như Đức, Hà Lan.

Thống kê của cơ quan thương vụ cho thấy, hàng Việt tại Anh mới chiếm chưa đầy 1%, trong khi mỗi năm Anh nhập khẩu hơn 700 tỷ USD hàng hóa. Đơn cử, với mặt hàng cà phê, dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất tính theo khối lượng vào thị trường này, nhưng tính theo trị giá thì mới chiếm khoảng 11%, đứng thứ tư (sau Pháp, Đức và Brazil).

Ngày 11/12/2020, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA.

Theo Fox 24, triển vọng để hàng Việt tăng xuất khẩu sang Anh trong năm 2022 và các năm tới còn rất lớn. Hơn nữa, Chính phủ Anh đang thực hiện chiến lược thương mại “Global Britain” nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Anh sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA.

Đồng thời, Anh đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Anh sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia hiệp định này, để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh.

Một yếu tố nữa là cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và Anh mang tính chất bổ sung, thay vì cạnh tranh, cũng là lợi thế để tăng tốc xuất khẩu. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc, thiết bị, theo Fox 24.

UKVFTA thực thi từ đầu năm 2021 đã giúp nhiều sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Dù vậy, do mới là năm đầu thực thi FTA, lại thêm tác động của dịch bệnh, nên chưa phản ánh hết mức độ thâm nhập thị trường của các ngành hàng, doanh nghiệp, trang Fox 24 nhận định.

Bảo Trâm (Theo News Fox 24)

Bài mới
Đọc nhiều