Báo Mỹ: Moderna chạy theo lợi nhuận, ngó lơ các nước nghèo
Sau khi phát triển loại vaccine đột phá với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ về tài chính và khoa học, hãng vaccine Moderna bị cáo buộc đã chuyển số vaccine của mình tới các quốc gia giàu có để thu lợi hàng tỷ USD lợi nhuận, trong khi các nước nghèo đang phải chờ đợi trong mòn mỏi.
Kết luận này được rút ra sau tính toán của Airfinity – một công ty dữ liệu theo dõi các lô vaccine.
Chỉ khoảng 1 triệu liều tới các nước nghèo
Tỷ lệ vaccine Moderna bán cho các nước giàu nhiều hơn mọi nhà sản xuất vaccine phương Tây khác.
Tới nay, Moderna mới chỉ chuyển giao 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước được World Bank xếp vào nhóm thu nhập thấp. Trong khi đó, nhóm quốc gia này nhận được 8,4 triệu liều của Pfizer cùng 25 triệu liều từ Johnson & Johnson.
Trong số các nước thu nhập trung bình đã đạt được thỏa thuận mua vaccine từ Moderna, đa phần vẫn chưa nhận được thành phẩm, trong khi ít nhất 3 nước phải trả mức giá cao hơn so với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), theo phân tích của New York Times.
Thái Lan và Colombia đang phải trả một khoản phí bảo hiểm khi mua vaccine của Moderna. Botswana đạt được thỏa thuận với hãng dược Mỹ nhưng các liều vaccine đến rất muộn.
Trong khi đó, Tunisia không thể liên lạc với Moderna để đặt vấn đề mua bán vaccine.
Sức ép lên vaccine Moderna
Không giống như Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZeneca – các hãng dược cung cấp nhiều danh mục thuốc khác nhau, Moderna chỉ bán vaccine COVID-19.
Tương lai của công ty có trụ sở ở Massachusett (Mỹ) này phụ thuộc nhiều vào thành công thương mại của vaccine họ sản xuất.
“Họ đang hành xử như thể họ hoàn toàn không có trách nhiệm nào ngoài việc tối đa hóa lợi tức đầu tư”, Tiến sỹ Tom Frieden – cựu lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ) cho biết.
Các giám đốc điều hành của Moderna nói họ đang làm tất cả những gì có thể để tạo ra nhiều vaccine trong thời gian nhanh nhất nhưng năng lực sản xuất của họ có hạn.
2 quan chức Mỹ cho biết chính quyền Biden ngày càng thất vọng với Moderna vì không nỗ lực đẩy mạnh cung cấp vaccine cho các nước nghèo.
Ông Biden và cấp dưới đang phải thúc ép các giám đốc điều hành của Moderna tăng cường sản xuất ở các nhà máy tại Mỹ và cấp phép cho các nhà sản xuất nước ngoài để sản xuất vaccine của hãng này cho thị trường nước ngoài.
Moderna đang cố gắng bảo vệ mình trước các cáo buộc họ đang ưu tiên cho các nước giàu.
Hồi đầu tháng 8, khi tờ New York Times gửi các câu hỏi cho tiết về việc về việc một số quốc gia nghèo tiếp cận với vaccine của Moderna thế nào, công ty này thông báo rằng họ “đang đầu tư” để nâng lượng vaccine nhằm cung cấp 1 triệu liều vaccine cho các nước có thu nhập thấp vào năm 2022.
Tuần trước, hãng dược Mỹ cũng cho biết họ sẽ mở một nhà máy ở châu Phi nhưng không cho biết cụ thể khi nào.
2 quan chức Mỹ tiết lộ chính quyền Biden đang tiếp tục các cuộc thảo luận với các giám đốc điều hành của Moderna về việc bán các liều vaccine với giá rẻ cho chính quyền liên bang để tặng chúng cho các nước nghèo. Pfizer trước đó đã đạt được thỏa thuận tương tự.
Kiếm tiền trong đại dịch?
Trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước, Stephane Bancel – Giám đốc điều hành của Moderna nói rằng “thật đáng buồn” khi vaccine của công ty ông không thể tiếp cận tới nhiều người hơn ở các nước nghèo.
Ông này khẳng định Moderna đã cố gắng nhưng thất bại vào năm ngoái trong việc kêu gọi các chính phủ rót tiền để mở rộng năng lực sản xuất còn hạn chế của công ty.
Người phát ngôn của Moderna phản bác thông tin mà Airfinity đưa ra về việc hãng dược này chỉ cung cấp 900.000 liều vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp. Tuy nhiên bà này không đưa ra con số thay thế.
Trong bối cảnh các nước giàu đang đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào tình trạng thiếu vaccine trầm trọng ở nhiều nơi trên thế giới.
Hàng chục nước nghèo, chủ yếu ở châu Phi và Trung Đông mới chỉ tiêm cho chưa tới 10% dân số của họ, tính tới 30/9.
Hồi tháng 8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng khiển trách Johnson & Johnson sau khi tờ NYT đưa tin số vaccine của hãng dược này được sản xuất ở Nam Phi đang được xuất khẩu sang các nước giàu.
Trong một số trường hợp, Moderna đề nghị cung cấp vaccine cho các nước nghèo hơn với giá tương đối thấp, nhưng chỉ sau khi đã hoàn thành đơn đặt hàng của các nước khác.
Vào tháng 5, Moderna đàm phán về thỏa thuận cung cấp các liều vaccine với giá 10 USD/liều với Liên minh châu Phi. Nhưng việc các liều vaccine không có sẵn cho tới năm sau khiến các cuộc đàm phán đổ vỡ.
Tiến sĩ Ayoade Alakija, người giúp điều hành chương trình phân phối vaccine của Liên minh châu Phi nhưng không tham gia vào các cuộc đàm phán cho biết thái độ của Moderna là chúng tôi ở đây là để kiếm tiền.
Vaccine COVID-19 mang tới khoản thu khổng lồ cho Moderna. Hãng dược này cho biết vaccine giúp tạo ra doanh thu ít nhất 20 tỷ USD cho họ trong năm nay. Điều này khiến vaccine Moderna trở thành một trong những sản phẩm y tế sinh lợi nhất lịch sử.
Bà Andersen, nhà phân tích của Morningstar dự đoán lợi nhuận của Moderna có thể lên tới 14 tỷ USD. Năm 2019, Moderna báo cáo tổng doanh thu là 60 triệu USD.
Giá trị thị trường của Moderna đã tăng gần gấp 3 trong năm nay lên hơn 120 tỷ USD.
2 trong số những người sáng lập của Moderna trong tháng này lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của tạp chí Forbes.
Khi COVID-19 bắt đầu lây lan đầu năm 2020, Moderna nhận 900.000 USD từ Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) để phát triển vaccine.
CEPI cho biết Moderna đã đồng ý với “các nguyên tắc tiếp cận công bằng”.
Vào tháng 5, Moderna đồng ý cung cấp tới 34 triệu liều vaccine trong năm nay cũng như 466 triệu liều vào năm 2022 cho sáng kiến COVAX.
Tuy nhiên, vẫn chưa có bất cứ vaccine nào trong số này được chuyển đi.
Mạnh An