+
Aa
-
like
comment

Báo Mỹ: Lạc quan vào triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam 2022

Bảo Trâm - 04/01/2022 10:57

Trang News Fox 24 vừa có bài viết với tiêu đề “Optimistic about growth prospects in 2022” (Lạc quan về triển vọng tăng trưởng 2022), qua đó trích dẫn nhận định của Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng năm 2022 sẽ là một năm thành công của Việt Nam sau chuỗi ngày khó khăn.

Mở đầu bài viết, trang Fox 24 cho rằng, năm 2021 là một năm có thêm những thách thức to lớn hơn đối với Việt Nam, bởi làn sóng đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với mức độ lây lan nhanh hơn và phức tạp hơn.

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt được áp dụng ở các khu vực trọng điểm kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây gián đoạn nguồn cung lao động, lưu thông hàng hóa và dịch vụ, tác động nghiêm trọng đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.

Theo Fox 24, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2021, giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư, đã giảm 6,2%, mức thấp kỷ lục từ trước đến nay, kéo GDP cả năm 2021 xuống mức 2,58%.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam.

Dù vậy, các nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng. Việc Chính phủ kịp thời chuyển sang chiến lược mới nhằm thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch với những tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh và các biện pháp ứng phó rõ ràng hơn, cùng với các biện pháp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất – kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”.

Sự gia tăng lại các ca mắc Covid-19 bởi các biến chủng mới của vi-rút Corona như Delta và mới đây là Omicron vẫn là rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chiến lược kiểm soát đại dịch của Việt Nam đã chuyển từ hạn chế khắc nghiệt nhằm mục tiêu quốc gia không có vi-rút sang cách tiếp cận linh hoạt để sống chung với Covid-19. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ nhanh đã cho thấy cách tiếp cận mới này là khả thi và có tác động thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, theo Fox 24.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho năm 2022 ở mức 6,5%, với kỳ vọng việc mở rộng phạm vi tiêm vắc-xin có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Trang Fox 24 trích dẫn đánh giá của ADB, cho rằng lạm phát trong khu vực được dự báo ở mức 2,1% trong năm 2021 vẫn trong tầm kiểm soát và 2,7% cho năm 2022. Ở Việt Nam, dự báo lạm phát cho năm 2022 được điều chỉnh tăng lên 3,8% do biến động của giá cả thế giới và áp lực đến từ việc VND yếu hơn so với USD do phản ứng nhanh hơn dự kiến của các nền kinh tế phát triển nhằm kiểm soát lạm phát tại các quốc gia này.

Để hạn chế tác động nghiêm trọng của đại dịch đối với người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các chính sách và áp dụng kịp thời các biện pháp ứng phó quan trọng, bao gồm các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các gói hỗ trợ. ADB đánh giá cao việc Quốc hội và Chính phủ thông qua gói hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch.

Gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng dù quy mô còn khiêm tốn và chưa hẳn đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần hỗ trợ thực tế, nhưng sẽ đem lại những tác động hết sức tích cực đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Với mục tiêu sức khỏe và sự an toàn của người dân là trước hết, trên hết, chính sách quan trọng nhất là mua sắm vắc-xin và triển khai nhanh chóng tiêm phòng. Những nỗ lực của cả bộ máy chính trị trong triển khai ‘ngoại giao vắc-xin” là rất đáng ghi nhận.

Bất chấp sự thiếu hụt nguồn cung vắc-xin toàn cầu, nhờ những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ, Việt Nam vẫn có được một lượng vắc-xin đáng kể từ các nguồn khác nhau để kịp thời triển khai chiến dịch tiêm chủng tại nhiều địa phương trong cả nước.

Theo Fox 24, về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn duy trì chính sách linh hoạt và phù hợp để phối hợp với chính sách tài khóa tạo bước đệm cho nền kinh tế trước cơn sốc từ đại dịch.

Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%/năm và khuyến khích các ngân hàng thương mại đảm bảo dịch vụ trong thời gian dịch bệnh, cung cấp các khoản vay mới, áp dụng lãi suất thấp hơn hoặc cơ cấu lại các khoản vay hiện tại, đồng thời giảm, miễn phí dịch vụ để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Việc liên tục hạ lãi suất để cho vay nhiều hơn đã tạo ra áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng. Rủi ro gia tăng các khoản nợ xấu có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế trong trung và dài hạn.

Trước tình hình này, cần có một cơ chế cấp vốn sáng tạo và nhanh chóng để có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp mà không gây quá nhiều áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước có thể đề xuất với Chính phủ cân nhắc việc thu xếp bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng. Đây cũng là một cách mà nhiều nước đã làm để chia sẻ rủi ro với các ngân hàng.

Đại dịch Covid-19 cũng làm phát sinh những khoản chi lớn và tạo áp lực lớn lên ngân sách. Triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn sẽ rất khó khăn nếu như không có một chính sách tài khóa đủ mạnh. Hiện tại, thu ngân sách vẫn đảm bảo kế hoạch.

Chính sách quản lý nợ công thận trọng nhằm củng cố tài khóa của Việt Nam vẫn tạo đủ dư địa để đáp ứng các nhu cầu mới về tài chính. Trong thời gian tới, chính sách tài khóa phải được cân nhắc là chính sách trọng tâm cho quá trình phục hồi kinh tế.

Giống như nhiều nước khác trong khu vực, Việt Nam có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao hơn trong giai đoạn 2021 – 2023 nhằm đưa ra các gói hỗ trợ tài khóa lớn hơn trong thời gian tới. Để các gói kích thích tài khóa này phát huy hiệu quả thì cần phải kịp thời, đủ lớn, đúng đối tượng, đủ dài và bao trùm, theo Fox 24.

Khi nền kinh tế phục hồi, vai trò của chính sách tài khóa sẽ giảm dần. Tuy nhiên, vẫn phải mở rộng cơ sở thu và tăng cường quản lý nguồn thu, đồng thời nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhằm siết chặt lại kỷ luật tài khóa, đảm bảo yêu cầu an toàn tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Nói đến nỗ lực vượt qua đại dịch cần phải biểu dương những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã chủ động, linh hoạt để thích ứng, biến những thách thức thành cơ hội.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất – kinh doanh thích ứng với đại dịch và tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm và dịch vụ. Đại dịch cũng đã tạo cú huých để nhiều doanh nghiệp và các ngành dịch vụ đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng nhiều nền tảng số để đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, kết nối thị trường trong nước và nước ngoài.

Chặng đường phía trước còn rất nhiều thách thức, nhưng với những nền tảng kinh tế vững chắc, chế độ chính trị ổn định, với cộng đồng doanh nghiệp năng động và sáng tạo và quan trọng nhất là một chính phủ cam kết hành động, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức và lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới, theo Fox 24.

Bảo Trâm (Theo News Fox 24)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều