+
Aa
-
like
comment

Báo Mỹ cảnh báo thách thức với Việt Nam trong việc hồi phục kinh tế hậu Covid-19

Sơn Ca - 26/04/2020 18:29

Song, bên cạnh thách thức đó, The Wall Street Journal vẫn khẳng định Việt Nam có cơ hội lớn để phục hồi sau Covid-19.

Ảnh minh họa

Việt Nam đã trở thành một trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong tuần này. Nhưng bên cạnh phản ứng ấn tượng của Chính phủ trong việc đối phó với đại dịch Covid-19, vẫn còn những hạn chế tài chính mà không chỉ Việt Nam, mà cả các quốc gia đang phát triển khác cũng phải đối mặt để đối phó với các tác động kinh tế tiêu cực.

Chính phủ đã báo cáo 268 ca dương tính với Covid-19 và không có trường hợp nào tử vong. Khác với các nước đang phát triển khác với khả năng xét nghiệm, Việt Nam đã thực hiện tới hơn 180.000 xét nghiệm.

Tốc độ tăng trưởng năm 2020 khoảng 2,7% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo cho Việt Nam vẫn sẽ là nhanh nhất thế giới. Nhưng đó là một bước lùi dài so với mức 7,02% được ghi nhận vào năm ngoái. Các nhà kinh tế của UBS cho rằng dự báo tăng trưởng 1,6% của chính họ có thể sẽ còn bị hạ thêm.

Sau khi tăng trưởng với tốc độ cao những năm vừa qua, với Covid-19, ngành du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong một thời gian dài. Chiếm 5,9% tổng GDP, lĩnh vực này đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam, quan trọng hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác.

Hơn nữa, khả năng cung cấp loại hỗ trợ kinh tế và tài chính của Việt Nam vẫn còn tồn tại hạn chế. Vào cuối năm 2019, năm gần nhất có dữ liệu, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước tính vào khoảng 84 tỷ USD – tương đương khoảng 3,8 tháng nhập khẩu, con số này là chưa cao so với khu vực.

Trong khi dự trữ ngoại hối tính đến tháng 10/2019 của Indonesia đã đạt 126,7 tỷ USD, tương đương với 7,5 tháng nhập khẩu. Với Thái Lan là 222 tỷ USD, tương đương 10 tháng nhập khẩu. Hơn 40% tổng số nợ được bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam là bằng ngoại tệ. Chính phủ cần phải xử lý điều đó, đặc biệt là khi tỷ giá hối đoái tương đối cố định.

Song, Việt Nam có cơ hội lớn để phục hồi sau Covid. Việc tự do hóa hơn nữa phần lớn thương mại châu Á được cam kết bởi Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTPP sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho Việt Nam. Hơn nữa, khi các công ty tìm kiếm nhiều cơ sở sản xuất chi phí thấp hơn bên ngoài Trung Quốc, Việt Nam là một ứng cử viên rõ ràng . Nhưng việc nối lại những xu hướng đó có thể sẽ còn ít nhất một năm nữa và Việt Nam cần hành động ngay để thúc đẩy nền kinh tế tạm thời.

Không có quốc gia nào có thể dễ dàng đối phó với tác động kinh tế của Covid-19, nhưng các nền kinh tế mới nổi đang gặp khó khăn chồng chất khó khăn. Các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho sự phục hồi chậm ở các nền kinh tế như vậy.

Sơn Ca

Bài mới
Đọc nhiều