+
Aa
-
like
comment

Báo Mỹ bất ngờ gọi Việt Nam là hình mẫu “chói sáng” để các nước noi theo

Tuệ Ngô - 24/11/2022 13:51

Mới đây, trang Washington Examiner vừa có bài viết nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi thành công rực rỡ trên công cuộc “san bằng” cơn bão đói, là hình mẫu thời đại mới trong khi nhiều quốc gia đang phải chật vật để đấu tranh chống lại tình trạng bất ổn này.

Theo Washington Examiner, cách hiệu quả nhất để chống lại đói nghèo là gì? Nhiều người sẽ nói rằng đó là từ viện trợ phát triển, mặc dù thực tế điều này đã không mang lại sự thay đổi hiệu quả hoặc lâu dài ở Châu Phi, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của những “cơn bão” đói, tại bất kỳ thời điểm nào trong 50 năm qua.

Tuy nhiên, điều đã hoạt động rất hiệu quả ở nhiều quốc gia khác nhau là việc giới thiệu các đặc điểm của nền kinh tế thị trường và quyền sở hữu tư nhân. Tại Trung Quốc năm 1981, trước khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách, 88% dân số sống trong cảnh cực kỳ nghèo khổ. Nhờ những cải cách kinh tế thị trường của Trung Quốc, con số đó hiện thấp hơn đáng kể.

Theo trang Washington Examiner, một “tấm gương” ít nổi tiếng hơn nhưng đặc biệt thành công là Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục bứt phá về quy mô GDP.

Với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người là 98 đô la, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới vào năm 1990, chỉ sau Somalia (130 đô la) và Sierra Leone (163 đô la).

Cách đây rất nhiều năm về trước, mất mùa dẫn đến nạn đói và Việt Nam phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Chương trình Lương thực Thế giới và hỗ trợ tài chính từ Liên Xô và các nước Khối Đông Âu khác. Tính đến cuối năm 1993, 79,7% dân số Việt Nam bị mắc kẹt trong nghèo đói. Tuy nhiên, đến năm 2006, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 50,6% và đến năm 2020, chỉ còn 5% – tình trạng nghèo cùng cực hầu như đã bị xóa bỏ.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất thế giới và mang đến vô số cơ hội cho những người làm việc chăm chỉ và các doanh nhân muốn đầu tư. Tổng sản phẩm quốc nội (tính theo đô la Mỹ cố định) đã tăng gấp 6 lần kể từ khi bắt đầu cải cách.

Từ một quốc gia không thể sản xuất đủ gạo để nuôi sống người dân, Việt Nam đã trở thành một trong những nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu hàng điện tử lớn. Theo Statista thống kê vào năm 2021, sản lượng lúa gạo của Việt Nam đạt xấp xỉ 43,9 triệu tấn, tăng nhẹ khoảng 2,6 phần trăm so với năm trước. Năm 2021, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ.

Ngoài ra, Việt Nam là đất nước từng bị tàn phá bởi Chiến tranh. Khoảng 14 triệu đến 15 triệu tấn bom và chất nổ đã được ném xuống Việt Nam – gấp 10 lần lượng bom rơi xuống nước Đức trong Thế chiến thứ hai. Đến những năm 1977–78, quá trình tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa gần 30.000 doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu tư nhân bắt đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài cho đến đầu những năm 1980.

Tuy nhiên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12 năm 1986 đã thông qua đường lối cải cách sâu rộng được gọi là “Đổi mới”, đặt nền móng cho sự thay đổi tích cực đạt được ở Việt Nam trong những năm sau đó.

Việt Nam có thể xuất khẩu gạo đạt và vượt kế hoạch trong năm 2022

Năm 1987, luật đầu tư mới được thông qua: Việt Nam muốn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Lần đầu tiên Việt Nam cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài và đảm bảo an toàn vốn và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức sống vì tiền lương và điều kiện làm việc ở nước ngoài thường tốt hơn so với ở các công ty Việt Nam.

Kể từ khi đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang mô hình nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước, Việt Nam đã trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài do ổn định về chính trị, nguồn nhân lực dồi dào với giá lao động rẻ, theo Washington Examiner.

Tính đến ngày 20/3/2022, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 8,9 tỷ USD, tương đương 87,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy chính sách đúng đắn của Việt Nam trong việc thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội”. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đến năm 2006, Việt Nam đã hoàn thành “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo”, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015), được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Và, tại Hội nghị cấp cao thế giới xem xét tiến trình thực hiện các Mục tiêu MDGs vào năm 2015, Việt Nam và Ghana được Liên hợp quốc đánh giá là những “ngôi sao sáng” trong số các nước đạt tiến bộ lớn trên lộ trình thực hiện các MDGs.

Ông Johnathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam cho biết: ”Tôi nghĩ Việt Nam vẫn là nước đi đầu trong khu vực về xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển đổi thước đo nghèo dựa trên thu nhập sang một thước đo nghèo đa chiều. Lý do là thước đo mới sẽ hỗ trợ được nhiều người hơn”.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ, Việt Nam vẫn phải đối diện với những thách thức như tính dễ bị tổn thương và tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Với các yếu tố tác động như diễn biến xung đột Nga – Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu hay các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo nhiều kịch bản khác nhau.

Tuệ Ngô (Theo Washington Examiner)

Bài mới
Đọc nhiều