+
Aa
-
like
comment

Bạo lực súng đạn vẫn ‘ám ảnh’ nước Mỹ

23/12/2019 22:54

Một bữa tiệc tưởng nhớ người thân tại Chicago (Mỹ), ngày 22/12 bỗng chốc đã trở thành thảm kịch khi hai kẻ tấn công bắt đầu nổ súng và truy sát những người đang hoảng loạn chạy khỏi hiện trường.

Bạo lực súng đạn vẫn ‘ám ảnh’ nước Mỹ

Cảnh sát Chicago cho biết, hiện 4 người bị thương nghiêm trọng đang được điều trị trong bệnh viện, số còn lại đang trong tình trạng ổn định. Các nạn nhân ở độ tuổi từ 16-48.

Vụ tấn công đã khiến 13 người bị thương và một lần nữa “bóng ma” súng đạn lại trở thành một nỗi “ám ảnh” trong tâm trí người dân Mỹ khi mà những ngày cuối cùng của năm cũ đang dần khép lại.

Theo Tổ chức lưu trữ thông tin về bạo lực súng đạn (GVA), tính đến ngày 22/12, đã có 404 vụ xả súng hàng loạt xảy ra trên lãnh thổ nước Mỹ. Đây là con số cao nhất kể từ khi GVA bắt đầu thu thập dữ liệu từ năm 2013. Trong đó, một vụ xả súng hàng loạt được định nghĩa là một vụ việc có từ 4 nạn nhân trở lên, không kể hung thủ.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại Chicago (Mỹ), ngày 22/12/2019. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP via Getty Images)

Cụ thể, GVA cho biết, tính đến ngày 22/12, trên khắp nước Mỹ đã có 14.801 người bị thiệt mạng và 28.613 người khác bị thương bởi súng đạn, tính cả các vụ tự sát. Điều đó có nghĩa rằng, thật hiếm có một ngày trôi qua mà tiếng súng không nổ ra tại đâu đó trên nước Mỹ.

Trung bình mỗi năm, bạo lực súng đạn đã khiến nước Mỹ phải tiêu tốn 229 tỷ USD và con số này chiếm tới 1,4% GDP của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Các nhà quan sát dự báo rằng, sẽ không có một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề bạo lực súng đạn tiếp diễn nhiều năm qua tại nước Mỹ. Trong khi đó, sự phân cực chính trị kéo dài giữa đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ Viện và đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện liên quan tới luật kiểm soát súng đạn cũng đang trở thành một yếu tố thu hẹp cơ hội của các nhà lập pháp Mỹ tìm kiếm “sự đột phá” trong lĩnh vực này. Thậm chí cuộc bầu cử sắp diễn ra vào năm 2020 cũng không thể làm gia tăng kỳ vọng vào những thay đổi tích cực trong kiểm soát bạo lực súng đạn tại Mỹ khi cơ hội chỉ được tính toán ở tỷ lệ 1/12.

Trong bối cảnh trên, Giáo sư Jon R.Taylor thuộc trường đại học Texas ở San Antonio cho rằng, trước mắt vẫn còn một số điều có thể làm để giảm bạo lực súng đạn và có thể vận dụng Tu chính án thứ II trong Hiến pháp Mỹ về bảo vệ quyền của người sở hữu vũ khí. Trong đó, gồm việc ngăn cản người có vấn đề về tâm thần và có tiền án bạo lực sở hữu hoặc mua bán súng. Dù điều này không thể ngăn chặn tất cả các hành vi mua bán hay sở hữu súng bất hợp pháp, song ông Taylor tin rằng, đây có thể là “một sự khởi đầu”.

Ngoài ra, ông Taylor cũng ủng hộ việc tiến hành kiểm tra lý lịch bắt buộc đối tới tất cả các hoạt động mua bán súng tư nhân, đồng thời áp đặt lệnh cấp vũ khí tấn công và hạn chế quyền sở hữu cá nhân đối với các loại vũ khí này.

Một người phụ nữ cầu nguyện cho những nạn nhân trong vụ xả súng ở Dayton, tháng 8/2019. (Ảnh: Xinhua)

Ngày 12/9, 145 lãnh đạo các công ty nổi tiếng của Mỹ (gồm: Airbnb, Twitter, Uber…) đã ký vào một lá thư kêu gọi Quốc hội nước này hành động để chống lại bạo lực súng đạn. Lá thư trên xuất hiện chỉ 2 tuần sau khi nước Mỹ phải đối mặt với 2 vụ xả súng hàng loạt gây chấn động tại El Paso, Texas và Dayton, Ohio, cướp đi sinh mạng của 32 người vào tháng 8/2019.

Thông điệp trong lá thư trên nêu rõ, việc “khoanh tay đứng nhìn” trước tình trạng bạo lực súng đạn tại Mỹ là điều đơn giản không thể chấp nhận được. Đã tới lúc đứng lên cùng dư luận Mỹ trong lĩnh vực an toàn súng đạn. Bức thư trên cũng kêu gọi Thượng viện Mỹ phê chuẩn một dự luật đòi hỏi kiểm tra lý lịch người mua súng, đồng thời bật đèn xanh cho tòa án có thể ra lệnh bảo vệ trong trường hợp mạng sống của một người gặp rủi ro cao.

“Đây là những bước đi mà Quốc hội có thể, và phải thực hiện để ngăn cản cũng như giảm bảo lực súng đạn…Chúng tôi kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ những bộ luật kiểm soát súng đạn có thể ngăn chặn những thảm kịch tương tự” – bức thư viết.

Những vụ xả súng đẫm máu là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Mỹ nhiều năm qua. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ hạn chế súng đạn. Tuy nhiên, cho tới nay, vấn đề này vẫn chưa tìm được lời giải đáp bởi những mâu thuẫn chưa đi tới hồi kết và chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ. Đây không chỉ là một bài toán khó đối với chính quyền của Tổng thống D.Trump mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với những ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng. Đã tới lúc nước Mỹ cần đưa ra lời giải để việc kiểm soát bạo lực súng đạn và bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân trong thời bình không còn chỉ là câu chuyện về “một lối mòn bế tắc”.

Thu Lan/ĐCSVN

Bài mới
Đọc nhiều