WFP: Đảo chính, bạo loạn – Myanmar tự đẩy mình vào nghèo đói
Ngày 16/3, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc phát đi cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng có thể khiến người dân rơi vào cảnh nghèo, đói sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.
Theo WFP, tình trạng giá thực phẩm và nhiên liệu gia tăng kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 đe dọa tác động tiêu cực đến các gia đình nghèo ở Myanmar. Cụ thể, giá gạo đã tăng khoảng 4% ở 2 thành phố Yangon, Mandalay sau khi nước này rơi vào khủng hoảng chính trị.
Tại một số khu vực ở bang Kachin, giá gạo tăng tới 35%, giá dầu ăn cũng tăng mạnh ở một số khu vực của bang Rakhine. Giá nhiên liệu cũng tăng 15% khắp nước kể từ đầu tháng 2, làm dấy lên lo ngại giá thực phẩm sẽ còn tăng cao nữa.
“Giá nhiên liệu và giá thực phẩm tăng cao một phần do lĩnh vực ngân hàng gần như bị tê liệt khiến các giao dịch chuyển tiền bị chậm cùng tình trạng thiếu tiền mặt”, WFP cho biết.
Đại diện WFP tại Myanmar, ông Stephen Anderson cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, cuộc sống của nhiều người có thể gặp thêm khó khăn nếu giá thực phẩm và nhiên liệu ở Myanmar không ngừng tăng trong thời gian tới.
WFP đang giúp hỗ trợ 360.000 người ở Myanmar, phần lớn là những người mất nhà ở do xung đột trong thập kỷ qua.
Cơ quan này cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc rằng, ý nguyện của người dân Myanmar trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 cần phải được tôn trọng.
“Tại WFP, chúng tôi biết quá rõ rằng tình trạng đói nghèo sẽ nhanh chóng diễn ra khi hòa bình và đối thoại bị gạt sang một bên”, ông Anderson nói.
Myanmar là một trong những vựa lúa của châu Á, nhưng lại nằm trong số những nước nghèo nhất khu vực sau khi quân đội nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 1962. Nền kinh tế bùng nổ sau khu quân đội bắt đầu rút khỏi chính trị 1 thập kỷ trước.
Cùng với cảnh báo trên, WFP nhắc lại lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres về việc tôn trọng ý nguyện của người dân Myanmar trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020, theo đó đảng của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng.
Trước đó, quân đội Myanmar đã luôn tìm cách biện minh cho hành động đảo chính khi khẳng định các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử này đã bị phớt lờ.
Một nỗi lo khác là tình trạng căng thẳng liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối đảo chính chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo thống kê, ít nhất 184 người đã thiệt mạng ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính, trong đó có 20 người tử vong trong ngày 15/3 vừa qua.
Bảo Trâm (Lược dịch theo CNA)