Bạo loạn bùng nổ, thách thức chính quyền ông Donald Trump phục hồi kinh tế Mỹ
Một tuyên bố mới đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ CBO cảnh báo nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mất tới 10 năm để phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bạo loạn ở Mỹ hiện đang thổi bùng lên làn sóng dịch bệnh thứ hai thách thức chính quyền Donald Trump trong việc phục hồi kinh tế Mỹ.
Mỹ có thể mất hàng chục năm để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19
Trong một bức thư gửi các nhà lập pháp Mỹ, Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội CBO cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể thổi bay 3% sản lượng kinh tế Mỹ từ nay đến năm 2020, tương đương thiệt hại 8 nghìn tỷ USD.
Các biện pháp cách ly xã hội kéo theo nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động dự kiến sẽ khiến chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh, kéo theo đầu tư kinh doanh tụt dốc, đặc biệt là đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng khi giá dầu bất ổn.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt tổng cộng 3 nghìn tỷ USD trợ cấp doanh nghiệp và hộ gia đình nhằm xoa dịu tác động của cuộc khủng hoảng. Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang hạ lãi suất cho vay về mức gần 0%, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng và tích cực bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính trong nỗ lực kích thích nền kinh tế.
Nhưng các nỗ lực khổng lồ đó không ngăn tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức kỷ lục trong hơn 9 thập kỷ. Cho đến nay, khoảng hơn 40 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trên tổng số 328 triệu dân.
Dự kiến vào cuối tuần này, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố tỷ lệ thất nghiệp đạt mức 20% trong tháng 5, tăng từ mức 14,7% hồi tháng 4.
Ngay cả khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại, vẫn có hàng triệu người lao động Mỹ mất việc vĩnh viễn do tình trạng tinh giản nhân sự, cắt giảm chi phí hoạt động do kinh tế khó khăn, các nhà phân tích cho hay.
Tức là cho đến năm 2021, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10%, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay và cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp 3,5% mà Mỹ đạt được hồi cuối năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát.
Khi nền kinh tế Mỹ khôi phục chậm chạp, Quốc hội Mỹ đang xem xét gói hỗ trợ tiếp theo trị giá 3 nghìn tỷ USD để tiếp tục các chương trình cứu trợ sắp hết hạn, bao gồm cả việc tăng các khoản trợ cấp thất nghiệp sắp hết hạn vào cuối tháng 7.
Đảng Cộng hòa hiện đang “chùn bước”, vì gói cứu trợ khổng lồ có thể gây thâm hụt ngân sách kỷ lục cho Chính quyền Donald Trump. Nhưng nhiều nhà lập pháp trong đó có Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho rằng gói viện trợ là cần thiết để tránh nguy cơ tái diễn một cuộc Đại khủng hoảng khác trong nền kinh tế Mỹ tương tự như những năm 1930.
“Thượng viện cần có hành động với tinh thần quyết liệt để đảm bảo mọi người Mỹ có đủ thu nhập cần thiết để nuôi sống gia đình. Người dân Mỹ không thể chờ thêm cả tháng trời để đợi Thượng viện thông qua dự luật. Họ cần chúng ta hành động ngay bây giờ”.
Bạo loạn đang thổi bùng làn sóng dịch bệnh thứ hai, thách thức kinh tế Mỹ phục hồi
Thực tế, cho đến cuối tháng 5, kinh tế Mỹ đã chứng kiến một số dấu hiệu phục hồi. Nếu như hồi tháng 4, nước Mỹ có tới 2.600 quận – đóng góp 30% GDP quốc gia – bị phong tỏa thì tháng này, chỉ còn khoảng 500 quận vẫn nằm trong diện hạn chế kiểm dịch, chiếm khoảng 10% GDP. Các doanh nghiệp đang mở cửa trở lại nhanh chóng, các trung tâm thương mại và nhà hàng tại một số tiểu bang cũng được phép hoạt động. Theo dự kiến của chính quyền Trump, nước Mỹ sẽ dỡ bỏ đa số lệnh hạn chế vào giữa tháng 6.
Nhưng đến hôm 29/5, lần đầu tiên kể từ thế chiến II đến nay, toàn bộ Vệ binh Quốc gia đã được huy động cùng lệnh giới nghiêm sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd. Các cuộc biểu tình, bạo loạn dữ dội đã bùng nổ tại nhiều thành phố ở nước Mỹ sau khi một video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh người đàn ông da màu tử vong vì bị một cảnh sát da trắng ghì cổ suốt 8 phút đồng hồ. Làn sóng giận dữ, mâu thuẫn sắc tộc dâng lên đã thổi bùng các cuộc đụng độ giữa hàng ngàn người biểu tình với cảnh sát.
Theo AP, ít nhất đã có 6 tiểu bang và 13 thành phố tuyên bố tình trạng khẩn cấp tính đến nay, bới 21 tiểu bang bao gồm cả Washington D.C phải sử dụng lực lượng Vệ binh quốc gia. Lệnh giới nghiêm cũng được áp đặt tại 26 thành phố thuộc 16 tiểu bang khác nhau và ít nhất 4.400 người đã bị bắt giữ.
Các chuyên gia tài chính nhận định tình trạng bạo lực, biểu tình có thể gây áp lực nặng nề lên sự phục hồi kinh tế Mỹ. Nhiều nhà bán lẻ đã buộc phải đóng cửa các store, cửa hàng, siêu thị tại nhiều thành phố, thậm chí trên toàn nước Mỹ dù vừa khôi phục hoạt động cách đây ít lâu.
Kinh tế Mỹ có thể suy thoái nhưng tình hình Trung Quốc còn thảm hại hơn!36,5 triệu người Mỹ mất việc trong 2 tháng, triển vọng nào cho kinh tế Mỹ?
Hai nhà bán lẻ Walmart và Target hôm 31/5 (giờ Mỹ) cho biết sẽ đóng cửa các cửa hàng trên khắp nước Mỹ và chưa có thời gian cụ thể mở cửa trở lại. Apple, Ray Ban và nhiều thương hiệu cao cấp khác cũng đưa ra quyết định đóng cửa tương tự.
Các cuộc biểu tình bạo loạn không chỉ dẫn đến nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai tại Mỹ mà còn làm tổn thương chính quyền địa phương vốn đã điêu đứng sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Viễn cảnh như vậy có nguy cơ khiến tâm lý thị trường sụt giảm, chứng khoán Mỹ lao dốc sau thời gian phục hồi.
John Stoltzfus, chiến lược gia đầu tư của Oppenheimer thì cho hay: “Thật không may, các hành động phản kháng và bạo lực phá hoại đã dẫn đến hành vi phá hoại tài sản gây thiệt hại tại nhiều thành phố trên cả nước… Đám đông người biểu tình không đeo khẩu trang có thể làm suy yếu những nỗ lực kiểm soát làm chậm sự lây lan dịch Covid-19 trong thời gian gần đây”.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp từ Oanda thì nhận định: “Sau đêm biểu tình hôm 29/5, có vẻ như thị trường tài chính không có nhiều xáo trộn nhưng hậu quả với ngân sách các địa phương, thành phố là điều chắc chắn.”
Còn Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường tại AvaTrade thì bổ sung rằng trong dài hạn, “Các cuộc biểu tình, bạo loạn sẽ là mối đe dọa với thị trường tài chính Mỹ vì nó làm xói mòn niềm tin các nhà đầu tư vốn đã mong manh sau cuộc khủng hoảng đại dịch”.
Một khi làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát tại Mỹ, viễn cảnh cho nền kinh tế Mỹ là khó có thể dự báo.
Thùy Dung/DV