Bao lâu rồi bạn chưa về quê?
Tháng ngày qua vùn vụt, những đứa trẻ ngày ấy giờ gồng gánh mưu sinh. Lòng nặng miếng cơm manh áo, áp lực dịch bệnh bủa vây. Ngồi giữa thành phố lạ nghe bóng quê phủ đầy trí nhớ mà se sắt: Bao lâu rồi chưa về quê?
Dịch Covid-19 hoành hành khiến cuộc mưu sinh càng thêm oằn nặng trên vai mỗi người, ngồi buồn nghe lời hát: “Xa quê đã lâu rồi mà sao em vẫn chưa về?” bỗng rưng rưng nước mắt.
Lâu rồi, tôi chưa đặt chân lên lớp đất cát pha mát rượi sau mỗi đường cày mùa vụ. Tôi nhớ bờ ruộng xanh mướt mát cỏ mà tôi và lũ bạn giành nhau bứt. Và, cả những buổi soi đêm sau mỗi cơn mưa trong tiếng ễnh ương tao tác gọi. Quê là tháng năm tuổi thơ đầu trần chạy theo lũ bạn tát đìa rồi bị đòn roi khóc rấm rứt. Quê, tôi ngập ngừng khi gõ những dòng chữ này bởi nhận ra, bóng quê trong mình vừa lớn vừa gần nhưng mãi chẳng thể chạm tay hay gọi thành tên.
Những đêm rong ruổi khắp cánh đồng
Mưa vừa dứt. Chúng tôi đã tập trung tại nhà thằng Huyền để chuẩn bị cho buổi soi đêm. Sau khi phân chia xong từng vùng ruộng, chúng tôi lên đường. Đèn soi là dép Lào hư, lốp xe đạp hỏng găm vào cây củi hoặc những ống tre nứa dài nhét đầy giẻ rách tẩm dầu. Chúng tôi lầm lụi đi. Những bàn chân trần bám chặt ngón xuống nền đường trơn nhẫy trong nhập nhoạng tối. Đến vùng ruộng, chúng tôi đốt đuốc lên rồi men theo những bờ ruộng nhỏ xăm xắp nước, mắt dõi tìm từng quãng sáng.
Đuốc bằng giẻ tẩm dầu cháy rần rật, ánh lửa đung đưa, nhảy múa theo từng làn gió. Đuốc bằng dép Lào hư hoặc lốp xe đạp hỏng thường mang theo làn khói đen ngoằn ngoèo như phép thuật của những mụ phù thủy bước ra từ truyện cổ. Mùi cao su khét lẹt, lâu lâu từ cây đuốc rơi xuống những đốm lửa nhỏ, đậu trên bờ ruộng leo lét, lắc lư rồi phụt tắt.
Những buổi soi đêm ấy, nếu có ai ở xa nhìn lại cánh đồng sẽ giật mình bởi những đốm lửa di động trông giống ma trơi. Chúng tôi, phải đi nhanh, mắt và tay nhanh nhẹn chụp từng chú nhái nằm ven bờ ruộng hóng hớt, những chú ếch đợi bạn tình mắt thao láo trước ánh đuốc. Tầm ba mươi phút, cánh đồng chìm vào màn đêm đen đặc bởi đuốc đã cháy hết. Chúng tôi gọi nhau cùng về.
Đêm ấy, nhà thằng Huyền sẽ đỏ đèn đến khuya. Chúng tôi làm thịt ếch nhái băm nhỏ, một nửa được cho vào nồi cháo đang sôi, một nửa được quấn với lá lốt hái nơi góc vườn. Đêm lành lạnh, húp bát cháo ếch nhái ngọt ngào quyện trong mùi thơm củ nén, ăn thêm miếng chả lá lốt mềm, béo ngậy ngập chân răng mới tuyệt làm sao.
Đòn roi và dáng mạ
Hành trang quê là những đòn roi của ngày theo lũ bạn tát nước bắt cá. Con hói (mương) nhỏ chạy quanh cánh đồng Máng ra Rào Trổ, ngập úng mùa mưa, mùa hè nước cạn đến mắt cá chân. Cá rô ron, cá tràu quẫy róc rách dưới những gốc cây năn. Trưa tháng sáu, nắng như đốt lửa. Chúng tôi rủ nhau ra hói ngăn thành từng đoạn nhỏ rồi hì hụi tát. Nước cạn dần để lại lớp bùn nhão những con cá quẫy một cách khó nhọc đợi chúng tôi tóm lấy bỏ vào xô nhựa mang về.
Những chú rô ron vảy cứng quẫy bùn tung tóe, dăm con tràu choai cố chui sâu xuống lớp bùn cũng bị tóm lấy trong vẫy vùng tuyệt vọng. Chiều về, tôi chưa kịp khoe với mạ (mẹ) chiến tích đã bị ba vụt roi lên lưng đau rát. Chiếc xô nhựa trên tay rơi vào góc bếp quay tròn những chú cá văng ra giãy lên, đuôi đập xuống nền nhà bèn bẹt. Mắt cá tràu tròn xoe nhìn tôi như hả hê: “Đáng đời!”
Tháng năm tuổi thơ của chúng tôi đi cùng chuỗi ngày giáp hạt trong thiếu đói rạc rài. Có những ngày, tôi nhóm lửa bắc nồi lên và bỏ vào đó một ít nước lắng nghe tiếng sôi, rồi tự dối mình “cơm đang sôi, một chút nữa chín sẽ được ăn thôi”. Ba mạ tôi có lần đã bỏ anh em tôi trong cái cót quây tròn dặn “im lặng” rồi qua nhà hàng xóm trốn hợp tác xã thu thuế bởi không đủ công điểm để trừ.
Tháng ngày ấy, tôi nhớ mãi dáng mạ tôi chơ vơ giữa cánh đồng với những bông lúa mót vội (những bông lúa được mạ cố tình để sót khi gặt công điểm) giữa chang chang nắng trưa. Dáng mạ lắt lay như bông lau vẽ vào chiều cả gió. Tháng ngày sấp ngửa ấy, anh em chúng tôi gánh mỗi bên hai nắm lúa vừa đi vừa khóc. Tiếng khóc dỗi hờn vì cây đòn gánh cứa vào vai cứ lọt thỏm vào hoàng hôn dần tắt.
Quê trong tôi là nỗi nhớ về ngôi nhà tranh xiêu vẹo (mãi đến khi anh em tôi lớn lên đi làm mới có tiền để làm căn nhà bao cấp bốn) với những buổi chiều ngồi lột vỏ sắn mủ bám thâm xỉn bàn tay. Ba chọn hai củ sắn to, thái mỏng nấu canh. Mạ đem ngâm vỏ sắn (lớp phía trong sau lớp vở bám đất) rồi thái chỉ đem xào với chút mỡ, bữa cơm hôm ấy thật ngon và rộn rã tiếng cười. Sau này, mạ nghĩ ra nhiều món từ sắn, khoai như đem mài, xay thành bột rồi làm bánh để ăn sáng hoặc bữa trưa.
Tôi lớn lên đi xa, nhớ về quê, về mạ và nhớ cả lần tôi khiến ba mạ buồn lòng. Hôm ấy trời mưa lớn lắm, những vệt chớp như rạch toang cả bầu trời, nước chảy thành dòng nhỏ trên đường. Trong nhà, chỉ còn mỗi chiếc giường nằm là còn khô. Mạ nấu cơm trong lem nhem khói bếp, củi ướt khiến mắt mạ cay xè vì khói. Mạ dọn cơm khi ngọn đèn dầu vừa được thắp lên trên chiếc bàn gỗ lem nhem vết dao cứa của anh em tôi. Một nồi canh rau khoai lang, chén cà muối kho mặn và nồi cơm độn sắn (1 hạt gạo cõng 4-5 lát sắn).
Mạ xới cho tôi chỗ nhiều cơm nhưng cũng độn sắn như hoa, tôi chướng khí nằng nặc khóc đòi ăn cơm trắng. Mạ dỗ dành không được, ba sau một hồi dọa nạt thì cho tôi một trận đòn nhừ tử. Tôi nấc nghẹn, mạ xới hai bát cơm độn đầy rồi đội mưa lên nhà ông mệ Hòe đổi cho tôi lưng bát cơm trắng. Tôi vồ lấy ăn, tay xoa khắp đôi chân với những lằn roi nổi lên ửng đỏ… Giờ khôn lớn, mỗi dịp về quê đứng nơi cổng cũ nhớ lại bát cơm hôm ấy thấy lòng mình thắt nghẹn…
Thanh Hải