+
Aa
-
like
comment

Bảo kê tín dụng đen hết thời!

Công Luân - 23/02/2023 14:38

Tín dụng đen còn nhiều “đất sống” là bởi nhiều người khó tiếp cận được với nguồn tín dụng hợp pháp với nhiều điều kiện chặt chẽ; ngược lại tín dụng đen thủ tục thực hiện vô cùng đơn giản… Đơn giản nhưng có khi phải trả giá bằng chính một phần cơ thể của mình.

Trong công cuộc đấu tranh với loại tội phạm này, việc Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng cùng một số lực lượng khác triệt phá chuyên án lợi dụng danh nghĩa Công ty luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại TP.HCM) để hoạt động đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính mới đây đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận.

Xe công vụ của Công an tỉnh Tiền Giang đậu ở trụ sở công ty trong vụ khám xét, bắt giữ những người trong nhóm đòi nợ thuê.

Bằng hình thức gọi điện, nhắn tin khủng bố tinh thần; đặt bình gas, mang quan tài… đến nhà, cơ quan của các bị hại hoặc người thân để đe dọa gây nổ để đòi nợ, nhóm người này đã gây xáo trộn và xâm hại đến quyền riêng tư của rất nhiều người. Trung bình mỗi tháng ít nhất có khoảng 250.000 bị đày đọa, tra tấn về tinh thần.

Công ty này được các ngân hàng và công ty tài chính trả cho từ 25% đến 35% trên tổng số tiền thu được. Số tiền này, Ban Giám đốc công ty trả lương cho nhân viên và mua các công cụ, phương tiện phục vụ việc đe dọa, khủng bố khách hàng còn nợ tiền. Với lợi nhuận rất lớn từ hành vi cưỡng đoạt tài sản nêu trên nên số đối tượng này không từ một thủ đoạn nào để buộc nạn nhân phải trả tiền.

Đáng nói là không chỉ ở vụ việc lần này, thời gian qua, tín dụng đen như những chiếc “vòi bạch tuộc”, len lỏi khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ hộ dân “khát” vốn đến những học sinh bậc THCS, THPT, người buôn bán nhỏ, công nhân viên chức… đều là những “con mồi” béo bở của chúng. Hậu quả của vay tiền tín dụng đen là nhiều hộ dân phải khuynh gia bại sản vì lãi suất “cắt cổ”. Không ít gia đình ly tán, người thân bị khủng bố, con nợ bị đánh đập, hành hung, xâm hại đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe và tính mạng.

Đáng chú ý, hiện nay, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã lập các doanh nghiệp núp bóng cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền. Điều đáng nói, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để liên hệ, quấy rối, thậm chí đe doạ, xúc phạm với những người có trong danh bạ (dù không liên quan đến khoản vay) hoặc dùng mạng xã hội để quấy rối, đăng tải hình ảnh người khác với mục đích bôi nhọ… để gây áp lực với người vay phải trả tiền.

Chính vì thế, trong mỗi cuộc họp lãnh đạo Bộ Công an đều nhấn mạnh tín dụng đen cần phải làm quyết liệt để loại bỏ. Trên tinh thần ấy, đã có rất nhiều chuyên án liên quan đến tín dụng đen đã được triệt phá, gây được niềm tin trong dư luận. Đơn cư như trong năm 2022, Hà Nội đã khởi tố 18 vụ phạm pháp hình sự; TP.HCM đã khởi tố trên 30 vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”. Nhiều vụ án có độ tinh vi, lắt léo dưới sự dẫn dắt của các đối tượng sừng sỏ với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Biết rằng, tín dụng đen như nấm mọc sau mưa nhưng với nỗ lực trước mắt có thể nhìn thấy thì rõ ràng việc chặt đứt dần những vòi bạch tuộc là điều có thể báo trước.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều