+
Aa
-
like
comment

Bao giờ “từ chức”, “sa thải” mới là chuyện thường với cán bộ, công chức?

07/11/2019 08:29

Theo báo cáo mới nhất của Công an TP Hà Nội, căn cứ vào hành vi sai phạm và quy định của Bộ Công an, cơ quan này dự kiến sẽ giáng cấp bậc hàm, từ Đại úy xuống Trung úy, đối với bà Lê Thị Hiền, đồng thời điều chuyển công tác nữ cán bộ công an này đến bộ phận không trực tiếp tiếp xúc với người dân.

Bao giờ “từ chức”, “sa thải” mới là chuyện thường với cán bộ, công chức? - 1

Như vậy, vụ việc đáng xấu hổ liên quan đến nữ cán bộ công an Lê Thị Hiền sau 3 tháng xảy ra, cuối cùng cũng đã công bố phương án xử lý cho người dân, công luận được biết.

Người viết xin phép không đưa ra đánh giá về mức độ xử lý kỷ luật của phía Công an TP Hà Nội đối với bà Hiền, vì phải mất tới 3 tháng để xem xét thì phương án này có thể đã là “tối ưu” trên góc độ quản lý của đơn vị nơi bà Hiền làm việc cũng như những qui định hiện hành.

Dưới bài viết của phóng viên Quang Phong đăng ngày 5/11/2019, nhiều độc giả cũng đã để lại bình luận (comment) nêu quan điểm về cách xử lý kỷ luật đối với nữ cán bộ công an. Trong khi có những ý kiến cho rằng, bị giáng cấp bậc hàm xuống Trung uý (2 cấp) và điều chuyển công tác đối với bà Hiền vẫn là “nhẹ nhàng” thì một số độc giả lại bày tỏ sự ủng hộ.

Độc giả Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, đây là một quyết định “đầy tính nhân văn” và cho rằng, sau khi nhận kỷ luật, Trung uý Hiền cần nghiêm túc nhìn lại mình, tự kiểm điểm, rèn luyện tu dưỡng, phấn đấu.

Về phía người viết, sau khi sự việc trên diễn ra, trên BLOG Dân trí, tôi đã có bài “Cần đưa bà Lê Thị Hiền ra khỏi lực lượng công an” và đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn nhất quán, giữ nguyên quan điểm này.

Trong tư cách là một hành khách, bà Hiền đã có hành vi lăng mạ, chửi bới thậm tệ nhân viên hàng không tại quầy làm thủ tục hành lý và chống đối lực lượng an ninh hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Dù không mang sắc phục công an, nhưng hành vi đó là không thể chấp nhận, ngay cả với một người bình thường. Đặc biệt, khi đã được đào tạo, rèn luyện trong ngành công an, có sự hiểu biết về pháp luật thì cách hành xử của bà Hiền càng nghiêm trọng.

Điều đáng buồn là trong suốt 3 tháng qua, sau khi bị phản ánh trên mạng xã hội, qua báo chí, đại diện các đơn vị liên quan cũng vào cuộc, lên tiếng, song dường như bà Hiền vẫn chưa thực sự “tỉnh ngộ” và tiếp tục có những biện minh, giải thích không thực sự thuyết phục cho những hành vi của mình.

Chính vì vậy, với tư cách là một nhà báo, bản thân người viết cũng cảm thấy thực sự nản lòng và… ngao ngán. Tất cả những nỗ lực phê phán các hành vi sai trái, điều cuối cùng mà một người làm báo muốn thấy được, ấy là truyền đạt được thông điệp từ công chúng và mang đến những góp ý, tạo ra một sự thay đổi, dẫu nhỏ, trong nhận thức của người vi phạm, từ đó mới mong xã hội sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Điều mà nữ cán bộ ấy phải làm, nhẽ ra, phải là một thái độ tự kiểm điểm, tự phê bình, xin lỗi, rút kinh nghiệm trước đơn vị, trước những người bị ảnh hưởng, và trước nhân dân (đương nhiên phải trên tinh thần cầu thị và chân thành), xin lỗi đồng nghiệp vì làm ảnh hưởng đến hình ảnh….

Song, tiếc thay, bà Hiền không làm như thế. Bà lại chọn cách phản ứng trước những góp ý của cộng đồng, công luận.

Rồi đây, sau khi nhận quyết định kỷ luật, với một cấp bậc hàm thấp hơn và ở một vị trí công tác mới, bà Hiền vẫn là cán bộ công an. Còn chúng ta, sẽ vẫn nói về việc đến bao giờ, sự tự trọng và thái độ “nhận lỗi”, “từ chức” hay việc “sa thải” mới trở nên bình thường với cán bộ, công chức?!

Bích Diệp

Bài mới
Đọc nhiều