Bao giờ nhà vệ sinh trường học trở thành “công trình chính”?
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền (Cựu giáo viên trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) trong bức thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính trước thềm năm học mới đã bày tỏ niềm trông đợi về một luồng sinh khí mới sẽ thay đổi và chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Luồng sinh khí mới tạo nên cảm xúc “thật phấn chấn, tin tưởng, kỳ vọng và xúc động, cảm kích…” của nhà giáo ấy bắt nguồn từ thông tin Thủ tướng vào kiểm tra nhà vệ sinh Trường THPT Yên Lập, Phú Thọ và chỉ đạo ngành giáo dục chú ý vấn đề nhà vệ sinh cho các em, không được coi đây là “công trình phụ”. Đó cũng là một minh chứng cụ thể về ngành giáo dục đã được quan tâm một cách sâu sắc và toàn diện nhất.
Nhà vệ sinh trong bất kỳ dự án xây dựng nào trước nay vẫn theo quan niệm mặc định đó là “công trình phụ”. Chính quan niệm ấy đã làm chúng ta xem nhẹ vai trò của loại công trình này. Nhắc đến nhà vệ sinh trường học chúng ta rất nhanh chóng có được câu trả lời quen thuộc: “Nỗi ám ảnh”.
Vấn đề “nhà vệ sinh trường học” không phải bây giờ mới bàn đến. Thực trạng xuống cấp, quá tải của nhà vệ sinh trường học đã được gọi thành “vấn nạn”. Năm 2021, tỉnh Quảng Trị với nhiều điểm trường có học sinh là dân tộc thiểu số, giáo viên và học sinh gặp nhiều khó khăn vì cơ sở hạ tầng trường bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là nhà vệ sinh. Năm 2022, ngay cả vùng phát triển như TP. Hồ Chí Minh 14,4% phụ huynh vẫn phản ánh tình trạng nhà vệ sinh dơ bẩn.
Tư duy xem nhà vệ sinh chỉ là “công trình phụ” thật sự đáng lo ngại, nỗi ám ảnh của học sinh khi nhắc đến việc đi vệ sinh ở trường cũng từ đó mà ra. Học sinh bị nhiễm trùng bàng quang, đau thận do hạn chế uống nước để không phải đi vệ sinh khá phổ biến. Không chỉ ở Việt Nam, vấn đề nhà vệ sinh học sinh trên thế giới đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Điều đó cho thấy, việc cải thiện, nâng cấp, xây mới nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường học đường là một vấn đề cấp bách của bất kỳ một nền giáo dục nào.
Niềm tin về việc cải thiện, nâng cấp nhà vệ sinh trường học càng có cơ sở hơn trước những chuyển biến và kết quả đạt được từ sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo nhà nước hướng đến đạt chuẩn nhà vệ sinh trường học. Tại TP. Hồ Chí Minh ngành giáo dục đã đặt nhà vệ sinh là yếu tố đầu tiên để đánh giá cơ sở vật chất trường học có đáp ứng yêu cầu chăm lo sức khỏe sinh hoạt của học sinh. Tại BRVT, nhà vệ sinh trường học thật sự được quan tâm nâng cấp để đã trở thành “công trình chính”. Chính quyền địa phương khi làm việc với đơn vị trường học không bao giờ ngồi trong phòng máy lạnh nghe đọc báo cáo, họ đi thẳng vào các khu chức năng, khu vệ sinh để kiểm tra kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh. Học sinh trường THPT Bà Rịa đã rất phấn khởi khẳng định: “Nhà vệ sinh trường mình đúng chuẩn khách sạn”. Đó là nguyện vọng chính đáng và tha thiết của mỗi học sinh về mái trường các em gắn bó trong đoạn đời đẹp nhất!
Một khi giáo dục được quan tâm một cách toàn diện và đầy đủ, sức khỏe vật chất và tinh thần của học sinh được chăm lo, những nhu cầu tối thiểu được tôn trọng đảm bảo chúng ta có đầy đủ cơ sở để kỳ vọng vào tương lai đất nước.
Hạnh Phúc