+
Aa
-
like
comment

Bao giờ người dân mới được dùng nước sạch giá hợp lý?

Hồng ĐInh - 22/11/2019 15:31

Trước khi bàn tới chuyện phát triển kinh tế hay bất kỳ vấn đề nào khác, các nhà lãnh đạo thực sự có tâm cần phải hành động vì sức khỏe của hàng triệu người dân. Câu hỏi được đặt ra ở đây là đến bao giờ, vấn đề chất lượng nước sinh hoạt tại Hà Nội mới được giải quyết dứt điểm để người dân mới thực sự được dùng nước sạch.

Giá nước sông Đuống đắt gấp đôi so với giá bán của nước sạch sông ĐàHà Nội một tháng trước đã trong tình trạng “dã chiến” với những ngày khốn khổ cho hàng vạn hộ dân các khu vực các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm… vì không thể sử dụng nước sạch từ vòi chảy ra. Mùi khét nồng nặc, mùi lạ bốc lên khiến người dân không dám sử dụng, các siêu thị trong khu dân cư cháy hàng bình nước lọc, trường học cũng khốn khổ vì phải lo nguồn nước nấu nướng cho hàng ngàn học sinh.

Hình ảnh nguồn nước nhiễm dầu tại đầu nguồn vào nhà máy nước sông Đà

Đó là thảm cảnh mà những khách hàng của công ty Viwasupco (doanh nghiệp sản xuất và cung cấp nguồn nước sạch sông Đà cho Hà Nội) vừa phải gánh chịu trong thời gian qua. Nguyên nhân đã được phát hiện, một xe tải chở dầu thải đến đổ trộm trong khe núi ở đầu nguồn con suối Trâm xã Phú Minh (Kỳ Sơn, Hòa Bình) và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà. Bởi thế mà nguồn nước bị nhiễm váng dầu.

Vụ việc nước sinh hoạt của công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp cho người dân Hà Nội bị nhiễm bẩn, hiện vẫn đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người bày tỏ quan điểm lo lắng về an ninh nguồn nước đang có “vấn đề”. Theo họ, đáng lẽ ra, an ninh nguồn nước phải được đặt ở vị trí quan tâm hàng đầu, mọi người đều phải có ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt.

Mới đây, TP Hà Nội giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thủ đô. Từ năm 2013 đến 2015, giá nước sạch ở Hà Nội liên tục tăng. Giá nước sinh hoạt (10m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 có giá là 5.973 đồng/m3.

Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 có giá là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/m3.

Mức giá kể trên được duy trì từ 2015 đến nay nhưng sức ép tăng giá nước sạch đang ngày càng tăng lên. Tín hiệu từ việc mua nước của Nhà máy nước Sông Đuống phần nào cho thấy điều đó.

Tháng 7/2017, Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Đáng chú ý, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7 %/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Có thể thấy, mức giá mua nước của nhà máy nước Sông Đuống cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch Sông Đà. Chưa kể, tại văn bản kể trên, Hà Nội còn dự kiến lộ trình tăng giá nước cho nhà máy nước Sông Đuống tối đa 7 %/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Tại quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của công ty công ty Nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch sông Đà) được UBND TP Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng.

Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3. Có thể thấy, giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống cao hơn một nửa so với giá bán của nước sạch sông Đà.

Tăng giá nước sông Đuống sau vụ nhà máy nước sông Đà bị nhiễm bẩn có hợp lý?

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao Hà Nội chấp nhận mức giá cao như vậy cho nhà máy nước sông Đuống trong khi giá nước là mặt hàng liên quan đến hàng triệu người dân? Vì vậy, các cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý khác cần vào cuộc làm rõ mức giá Hà Nội tạm tính cho sông Đuống có hợp lý hay không, tránh tình trạng người dân phải mua nước giá đắt, nhà nước bù lỗ còn doanh nghiệp lại ăn lãi lớn.

Xung quanh vấn đề tăng giá nước sạch, nhiều câu hỏi đặt ra tại sao Hà Nội lại lên phương án tăng giá nước vào thời này? Liệu có phải vì lý do mua giá nước mua của sông Đuống quá đắt nên phải tăng giá nước sạch bán cho dân?

Theo tìm hiểu, dự án nhà máy nước sạch sông Đuống được khởi công năm 2016, đến năm 2017 có tổng giá trị đầu tư 5.000 tỷ, vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng. Thế nhưng, giá nước kinh doanh của nhà máy này đã được Hà Nội chấp thuận ngay từ thời điểm nhà máy chưa xây dựng xong, chưa đi vào sản xuất.

Toàn cảnh nhà máy nước sông Đuống

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, đặt vấn đề tăng giá nước trong thời điểm vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà đang còn nhiều nghi vấn chưa được làm rõ. Ngoài ra, dịch vụ cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, nên việc tăng giá cần có lý giải hợp lý và minh bạch thông tin.
“Người dân chỉ biết rằng mỗi khối nước sạch đạt tiêu chuẩn thì hết bao nhiêu tiền và giá đó không thể cao hơn mặt bằng chung. Mặt bằng chung hiện nay, giá nước sạch chỉ 7.000 đồng/m3, mà Nhà máy Nước mặt Sông Đuống lại tăng thêm hơn 3.000 đồng/m3 là quá cao, phải có giải thích hợp lý để người dân giám sát. Nếu tăng thì phải có lý giải thuyết phục và minh bạch” – ông Sinh nói. Ông cho rằng cần cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về giá nước để làm rõ thông tin, cũng như cách tính giá nước hiện nay. Việc này sẽ góp phần tăng cường sự minh bạch, để nhận được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân.

Đã gần 2 tháng trôi qua từ khi xảy ra vụ việc Nhà máy nước sông Đà cung cấp nước nhiễm dầu thải làm đảo lộn đời sống của hàng nghìn gia đình, chính quyền Thành phố Hà Nội đã có hành động nhưng chưa đủ mạnh để làm rõ trách nhiệm của Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco): Vì sao dầu thải lọt được qua hệ thống kỹ thuật và tới tận nhà dân? Cho tới nay chưa có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này, chẳng lẽ lại “chìm xuồng”?

Nhiều chuyên gia và Đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng yêu cầu phải nghiêm túc xem xét sự vô cảm ấy rất có thể sẽ dẫn tới những hậu quả khủng khiếp cho hàng triệu người dân vào một ngày không xa.

Bài học nước nhiễm dầu thải vẫn còn nguyên tính thời sự (chưa được giải quyết triệt để) và không có gì đảm bảo chắc chắn rằng điều này không lặp lại thêm một lần hoặc nhiều lần nữa.

Từ câu chuyện nước sạch lần này của Thủ đô cho thấy sự cần thiết bổ sung các quy định pháp lý về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc cung cấp các loại dịch vụ và hàng hóa công cụ thể, việc vận dụng trên thực tế nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận trong cung cấp các loại dịch vụ và hàng hóa này và cuối cùng là trách nhiệm của chính quyền cũng như các bên có liên quan khi có sự cố xảy ra.

Trước khi bàn tới chuyện phát triển kinh tế hay bất kỳ vấn đề nào khác, các nhà lãnh đạo thực sự có tâm cần phải hành động vì sức khỏe của hàng triệu người dân và nhiều thế hệ tương lai của dân tộc.

Bài mới
Đọc nhiều