+
Aa
-
like
comment

Báo Đức: Triển vọng kinh tế Việt Nam khởi sắc sau những khó khăn vì đại dịch

Bảo Trâm - 23/11/2021 10:01

Trang Börse, chuyên trang về kinh tế tài chính của Đức vừa có bài viết đưa ra những đánh giá dành cho nền kinh tế Việt Nam sau chuỗi ngày khó khăn, khủng hoảng vì Covid-19. Qua đó nhận định nền kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đang ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.

Mở đầu bài viết, trang Börse cho biết giai đoạn khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế và tài chính của Việt Nam, đã qua đi và giờ đây đang phục hồi trở lại. Giá trị chứng khoán tăng trên 5% trong sáu tuần qua và dường như nguy cơ suy thoái đã được ngăn chặn.

Đầu tháng 10 vừa qua, chính quyền Việt Nam đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 90 ngày, khi 76% người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ. Tại các thành phố và khu vực khác, tỷ lệ tiêm chủng cũng đạt mức cao. Điều này là hiệu quả từ việc chuyển đổi chiến lược của chính phủ từ “Zero Covid” sang “Sống chung với Covid”.

Theo Börse, các biện pháp để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư kéo dài từ tháng 7 đến cuối tháng 9 trên khắp cả nước đã bất ngờ chặn đà tăng trưởng rất mạnh cho tới thời điểm đó. Từ năm 2009-2019, nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng hằng năm 7%.

Tuy nhiên, giai đoạn phong tỏa đã khiến tổng sản lượng kinh tế sụt giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước đó và đây là bước lùi về kinh tế lớn nhất của Việt Nam kể từ khi bắt đầu chính sách “Đổi Mới” năm 1986.

Dù vậy, trong khi xảy ra đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thu hút được các khoản đầu tư từ các doanh nghiệp muốn chuyển địa điểm sản xuất khỏi các nước chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, khiến dây chuyền sản xuất bị đình trệ.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nâng cao chuỗi giá trị từ dệt may sang vi mạch, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.

Công nhân trong một đơn vị đang tiến hành sản xuất.

Trang Börsecho biết Việt Nam cũng là một trong những thị trường có triển vọng tốt đối với các nhà xuất khẩu Đức trong năm nay.

Chuyên gia Thomas Langen của Atradius nhận định nhờ chi phí lương thấp và các điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều công ty đang chuyển các công đoạn sản xuất đơn giản sang Việt Nam.

Theo Börse, các công ty trong lĩnh vực vận tải và hậu cần cũng như dệt may sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng, trong khi các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, cơ sở hạ tầng, bán lẻ,… cũng được hưởng lợi từ việc mở rộng nhu cầu trong nước.

Bảo Trâm (Theo Börse)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều